William Goodge, đến từ thị trấn Ampthill, hạt Bedfordshire (Anh), từng là cầu thủ bóng bầu dục bán chuyên. Anh bắt đầu chạy bộ như một cách để vượt qua cú sốc khi mẹ mình được chẩn đoán mắc ung thư.

William Goodge trên hành trình chạy xuyên nước Australia (Ảnh: Instagram).
Bà Amanda Goodge, từng là y tá, qua đời vào đầu năm 2018 ở tuổi 53 vì ung thư hạch không Hodgkin, một dạng ung thư máu. Trước đó, bà đã chiến đấu và chiến thắng căn bệnh này hai lần.
“Chạy bộ giúp tôi chiến thắng với những bóng tối trong lòng”, Goodge chia sẻ với Daily Mail vào năm 2019. “Tôi nhận ra mình thích chạy một mình. Nó giúp tôi suy nghĩ thông suốt hơn và xử lý những gì đang phải đối mặt.
Gia đình tôi đã trải qua nhiều chuyện. Tôi nghĩ dù năng lượng tích cực hay tiêu cực, tôi đều có thể chuyển hóa nó thành động lực để chạy. Nếu tâm trạng tệ hại, tôi sẽ chạy, và sau đó sẽ cảm thấy khá hơn một chút. Dần dần, chạy bộ trở thành cách tôi chọn để đối mặt với khó khăn”.
Từ đó, Goodge đã thực hiện nhiều thử thách bền bỉ, trong đó có việc trở thành người Anh chạy xuyên nước Mỹ nhanh nhất, đồng thời gây quỹ hàng nghìn bảng Anh cho nghiên cứu ung thư.
Hiện tại, ở tuổi 31, anh đang thực hiện thử thách khắc nghiệt nhất, đó là cố gắng phá kỷ lục thế giới chạy xuyên nước Australia. Kỷ lục hiện tại là 39 ngày, do vận động viên Chris Turnbull người Australia thiết lập.
Để chuẩn bị cho hành trình này, Goodge đã chạy hơn 500km từ Osaka đến Tokyo (Nhật Bản), và duy trì cường độ tập luyện 130-140km mỗi tuần.

Goodge đã quyên góp được hàng ngàn bảng Anh nhờ chạy bộ để phục vụ nghiên cứu ung thư (Ảnh: Instagram).
“Đây chắc chắn sẽ là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời và tôi hy vọng sẽ phá được kỷ lục,” anh nói với tờ The West Australian trước khi lên đường. “Nhưng ngay từ ngày đầu tiên, sẽ có lúc mọi thứ trở nên tồi tệ và tôi phải tiếp tục bước tiếp. Tôi nghĩ sức mạnh tinh thần là siêu năng lực của mình. Tôi gần như bỏ qua cảm giác đau đớn thể xác vì đã trải qua quá nhiều nỗi đau tinh thần khi mất mẹ.
Tôi đã biến nỗi đau thành một câu chuyện đầy cảm hứng. Tôi thường nói: Cảm xúc là năng lượng. Nếu bạn biết cách chuyển hóa nó, không nhất thiết là thể chất, thì nó là một nguồn năng lượng mạnh mẽ để khai thác. Lần đầu tôi tham gia bất kỳ thử thách nào cũng rất đau đớn. Như lần đầu chạy siêu marathon 100km, thật kinh khủng. Nhưng sau 6 năm, cơ thể tôi đã dần quen và có nền tảng vững vàng.
Khi gặp khó khăn, điều có thể sẽ xảy ra khá thường xuyên, tôi nghĩ về mẹ và những người đang chiến đấu giành sự sống, những người không lựa chọn hoàn cảnh của họ. Còn tôi tự chọn thử thách này, nên tôi không có lý do chính đáng nào để dừng lại”.
Hiện tại, Goodge đang ở ngày thứ 16 của hành trình và vẫn giữ tinh thần tốt. Hôm 29/4 vừa qua, anh hoàn thành 111,84km trong 13 giờ 35 phút. Cô đơn trên đường chạy không khiến anh chùn bước.
“Tôi thật sự tận hưởng từng ngày”, anh nói. “Tôi thích sự điên rồ của những điều này. Những khoảnh khắc tuyệt nhất đối với tôi thường là khi tôi hoàn toàn cô lập, không có ai xung quanh, không có máy quay, chỉ có mình tôi.
Tôi cảm thấy sự kết nối đặc biệt với mẹ khi ở ngoài đó. Và tôi nhận ra: Không quan trọng bạn thông minh thế nào, giàu có ra sao, đến từ đâu, cảm giác đó chỉ có thể đến khi bạn đã nỗ lực hết mình. Không thể dùng tiền mua được cảm giác đó. Có lẽ vì vậy mà tôi cứ quay lại, tiếp tục theo đuổi nó. Đó là một trải nghiệm đặc biệt.
Khi cơ thể bạn hét lên rằng: Tôi không thể đi thêm bước nào nữa, mà bạn vẫn nói: Không, chúng ta sẽ tiếp tục, thì bạn đang kích hoạt một sức mạnh nội tâm mà chính bạn cũng không biết giới hạn của nó. Và sức mạnh đó có thể lan tỏa đến cả những khía cạnh khác trong cuộc sống”.