Du hành về thời đi net bị Mẹ gank cùng sự kiện độc lạ của game indie Việt

Du hành về thời đi net bị Mẹ gank cùng sự kiện độc lạ của game indie Việt

bởi

trong
Du hành về thời đi net bị Mẹ gank cùng sự kiện độc lạ của game indie Việt

Những tựa game tại Mẹ gank có thể đơn giản là những ký ức tuổi thơ về một buổi đi Thảo cầm viên Sài Gòn trong Blood, Tooth & Tears (phải) hay những suy tưởng của tuổi mới lớn trong Inside my 10-year-old head – Ảnh: BTC

Diễn ra từ nay cho đến ngày 18-8 tại Reading Cabin (Quận 1), Mẹ gank là sự kiện nho nhỏ để người tham gia trải nghiệm những tựa game indie, “nhà làm” đích thực được chính tay các bạn sinh viên thực hiện trong các môn học như lập trình, thiết kế màn chơi…

Được tổ chức bởi đội ngũ thầy và trò tại khoa Thiết kế Game của đại học RMIT, những tựa game trong khuôn khổ chương trình được các bạn sinh viên phát triển trong vỏn vẹn từ 1 đến 2 tháng và đều là sản phẩm được chấm điểm cao nhất khóa học.

Đây là những tác phẩm rất riêng biệt, mang đậm tính thể nghiệm và dấu ấn cá nhân. 

Không có đồ họa lung linh hay bố cục đầu cuối rõ ràng như những tựa game thương mại, các game có thể trải nghiệm tại Mẹ gank thường đơn giản, ngắn gọn và đôi khi còn chưa trọn vẹn. 

Game indie - Ảnh 2.

Máy tính dùng để trải nghiệm game tại đây có giao diện đưa người chơi về với tuổi thơ, thời đại mà Yahoo, ZingMe vẫn đang thống trị mạng xã hội – Ảnh: BTC

Tuy vậy khi chơi, người tham gia có thể cảm nhận được tình yêu các bạn trẻ gửi gắm vào từng phân đoạn. 

Vì suy cho cùng game cũng giống như hội họa hay điện ảnh, cũng là nơi chủ nhân của chúng gửi gắm những tâm sự về cuộc đời cũng như dấu ấn nghệ thuật của họ. 

Cần nhiều sân chơi cho game indie Việt

Đỗ Dzuy Anh (30 tuổi)  giảng viên người Mỹ gốc Việt đang giảng dạy tại RMIT cùng nhà phát triển game độc lập Henry là những người khởi xướng sự kiện này. 

Mẹ gank được lấy cảm hứng từ những buổi giao lưu tương tự của các nhà làm game độc lập tại Mỹ, Úc, Nhật… nhằm mục đích tạo không gian cho những tựa game này được nhiều người tiếp cận và trải nghiệm. 

Game indie - Ảnh 3.

Anh Henry (30 tuổi) cho biết trong thời đại mà các tựa game ngày càng công nghiệp và thương mại hóa, anh ấn tượng đặc biệt với cá tính độc nhất vô nhị của game indie do các bạn sinh viên Việt phát triển, đây cũng chính là động lực để anh khởi xướng nên sự kiện này – Ảnh: TÔ CƯỜNG

Tại đây, người tham dự có thể ngồi lại, trò chuyện với chính người làm ra trò chơi, lắng nghe họ chia sẻ về ý tưởng, cảm hứng và những câu chuyện đằng sau mỗi tựa game.

Điển hình như bạn Panda (tên thật: Bùi Trường Thịnh), tác giả của tựa game A game about me. Bạn chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng cảm hứng cho trò chơi đến từ nghệ thuật múa rối nước – một loại hình sân khấu truyền thống đậm chất Việt. 

Với tựa game này, Panda muốn kể lại một giai đoạn khủng hoảng đầy hoang mang của chính mình khi còn học cấp 3, thời điểm mà bạn loay hoay giữa quá nhiều lựa chọn và không biết nên đi theo hướng nào cho tương lai.

Game indie - Ảnh 4.

Tự nhận là mình không giỏi thiết kế, Panda tận dụng nét vẽ tưởng chừng ngờ nghệch của một đứa trẻ để kể câu chuyện đầy cá tính về hành trình trưởng thành của chính mình – Ảnh: BTC

Khác với những gian trải nghiệm rộng lớn thường hay thấy ở những hội nghị game tại Việt Nam hay quốc tế, góc chơi game của Mẹ gank chỉ nằm vỏn vẹn trong một căn phòng nhỏ với độc một chiếc màn hình cong mẫu cũ cùng chiếc bàn phím trắng ngà đã có nhiều vết ngả ố.

Đây gần như là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, tái hiện lại không gian chật chội nhưng chứa đầy ký ức của những quán net, quán trò chơi điện tử từng là nơi gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam sinh ra trong thập niên 1990 và đầu 2000. 

Game indie - Ảnh 5.

Góc nhỏ tại Reading Cabin bỗng chốc biến thành cỗ máy thời gian đưa người tham gia về thời kỳ đầu của những quán net tại Việt Nam – Ảnh: TÔ CƯỜNG

Thời ấy, Internet vừa mới du nhập, quán net mọc lên như nấm, trở thành điểm hẹn của những đứa trẻ mê game, mê chat Yahoo, mê nghe nhạc từ forum Lê Quý Đôn hay xem clip đầu tiên trên YouTube thời còn chưa có Facebook.

Tuy từng được xem là nơi quy tụ của một dạng “tệ nạn” gây ám ảnh các bậc phụ huynh lúc bấy giờ, văn hóa quán net tại Việt Nam lại chính là nơi giúp hàng triệu đứa trẻ chạm ngõ tới “loại hình nghệ thuật thứ tám” từ lúc mà chúng còn chưa biết quan tâm đến hội họa, thơ ca hay điện ảnh. 

Tương lai của ngành game nghệ thuật Việt Nam

Ngành thiết kế game tại Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ. Khác với lập trình game nơi trọng tâm là kỹ thuật thiết kế game bao gồm nhiều vai trò sáng tạo hơn như chỉ đạo nghệ thuật, thiết kế âm thanh, xây dựng cốt truyện và trải nghiệm người chơi.

Đây là lĩnh vực đòi hỏi tư duy đa chiều, kết hợp giữa công nghệ, mỹ học và cảm xúc. Những người theo đuổi ngành game hiện nay thường chọn con đường phát triển những tựa game thương mại, với lối chơi theo công thức và kiếm tiền từ người chơi thông qua những vật phẩm trong game.

 - Ảnh 6.

Mang nhiệm vụ hướng dẫn một thế hệ nhà làm game mới tại Việt Nam, Đỗ Dzuy Anh tự hào về các sản phẩm của các học trò và mong muốn tạo nhiều sân chơi mới cho những nhà làm game tại TP.HCM – Ảnh: TÔ CƯỜNG

Dù vậy, những người tổ chức sự kiện Mẹ gank như Henry, Đỗ Dzuy Anh hay Panda vẫn cực kỳ tự tin về tương lai của ngành game nghệ thuật Việt Nam.

Họ tin rằng chỉ trong vòng 5 đến 10 năm tới, Việt Nam sẽ có những tựa game indie được quốc tế công nhận – không chỉ vì chất lượng mà còn vì bản sắc riêng biệt trong cách kể chuyện và thiết kế.

Đối với họ, game không chỉ là giải trí mà còn là một loại hình nghệ thuật nơi người làm game vừa có thể kể câu chuyện của riêng mình, vừa tạo ra giá trị kinh tế thực sự từ chính những gì mình đam mê.