
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp – Ảnh: VGP
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Kết thúc hoạt động hơn 120.000 người không chuyên trách
Theo Ban Chỉ đạo, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, hiện tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỉ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã trong cả nước đã ban hành nghị quyết thông qua các đề án với tỉ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Đến ngày 8-5 đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh, thành phố mới) và hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người không chuyên trách cấp xã trong cả nước hơn 120.000 người.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026-2030 của cả nước; dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
Các ý kiến cho rằng đây là vấn đề lớn, khó, nên cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự… để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết. Gắn đó là chủ động việc kiện toàn các cơ quan, tổ chức sau sắp xếp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Ảnh: VGP
Sớm bố trí đủ kinh phí cho người nghỉ việc, sắp xếp bộ máy hành chính
Kết luận, Thủ tướng cho rằng việc tổ chức sắp xếp bộ máy nhận được sự đồng tình cao, hợp ý Đảng, lòng dân. Do vậy cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, thông qua, tổ chức thực hiện ngay.
Khẩn trương bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp. Có hướng dẫn ứng trước kinh phí để chi trả càng sớm càng tốt, không để ách tắc cũng như hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất.
Rà soát công tác tổ chức cán bộ, không để khoảng trống việc cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, các tỉnh, xã thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, cung cấp thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính.
Cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, các văn bản liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn phân bổ nguồn lực. Nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, cơ chế huy động nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát và khen thưởng, kỷ luật.
Thủ tướng lưu ý cùng với sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính, các bộ ngành địa phương cần thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các nhiệm vụ lớn, quan trọng khác. Trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án trên cả nước với tổng số vốn gần 6 triệu tỉ đồng và hơn 300.000ha đất đang ách tắc.
Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt “bộ tứ chiến lược” theo các nghị quyết đã được Bộ Chính trị ban hành gồm: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.