
Phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại ngày hội – Ảnh: NAM TRẦN
Sáng nay 19-7, Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 diễn ra đồng thời tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, phường Diên Hồng, TP.HCM) và ĐH Bách khoa Hà Nội (1 Đại Cồ Việt, phường Bạch Mai, Hà Nội).
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Những mốc thời gian quan trọng cần nhớ
Trao đổi tại phiên tư vấn về những quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý thí sinh không chủ quan trong quá trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển.
Trong đó, cần ghi nhớ lịch đăng ký để tránh việc quá thời hạn, hệ thống sẽ đóng vào 17h ngày 28-7. Thí sinh cần cập nhật các dữ liệu sử dụng cho việc xét tuyển như các chứng chỉ ngoại ngữ, năng lực, các chứng nhận ưu tiên khu vực, đối tượng… để không bỏ sót điểm cộng theo quy định.
“Tuy không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần ghi nhớ đặt nguyện vọng mình mong muốn nhất ở vị trí ưu tiên. Vì nếu thí sinh đủ điều kiện đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống xét tuyển sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Từ 29-7, hệ thống sẽ mở cho thí sinh nộp lệ phí xét tuyển. Nếu thí sinh không nhớ nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống sẽ không công nhận nguyện vọng thí sinh đã đăng ký” – ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết.
Đăng ký trên hệ thống xét tuyển: Chỉ cần ba cú kích chuột

Thí sinh nghe tư vấn của thầy cô tại khu vực tư vấn chung – Ảnh: NAM TRẦN
Một phụ huynh là chú của thí sinh cho biết do sát ngày đăng ký mà bố mẹ cháu mình không biết thông tin gì, nên anh vội vàng đến ngày hội để hỏi. Anh cũng thừa nhận câu hỏi của anh rất căn bản nhưng hiện anh chưa rõ. Cụ thể là “cùng một ngành có thể đăng ký nhiều tổ hợp được không?”.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban tuyển sinh – hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết thí sinh chỉ cần “ba cú kích chuột”. Thứ nhất là sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ yêu thích, mong muốn của mình. Thứ hai là chọn trường và thứ ba là chọn ngành (với mỗi nguyện vọng).
Thí sinh không cần phải đăng ký từng tổ hợp xét tuyển, hay phương thức xét tuyển cụ thể, vì hệ thống sẽ tự động lựa chọn tổ hợp/phương thức có lợi nhất cho thí sinh.
Thầy Hải cũng cho biết hệ thống xét tuyển của Bộ chỉ hiển thị những dữ liệu chung, còn những dữ liệu phục vụ việc xét tuyển của riêng mỗi trường thì các trưởng sẽ tự xử lý sau khi thí sinh cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống.
Dự kiến ngày 21-7 Bộ GD-ĐT công bố bách phân vị 5 tổ hợp truyền thống

Các thầy cô tư vấn chung cho phụ huynh, học sinh – Ảnh: NAM TRẦN
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Tiến Thảo cho biết khác với mọi năm, năm nay điểm trúng tuyển sẽ được quy đổi giữa các tổ hợp, phương thức để tạo công bằng cho thí sinh.
Một ngành học có thể xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, điểm chênh lệch giữa các tổ hợp sẽ được điều chỉnh theo bách phân vị.
Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ công bố bách phân vị 5 tổ hợp truyền thống, gồm A00, A01, B00, C00, D01 vào ngày 21 hoặc 22-7, cùng thời điểm công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sư phạm và khối ngành khoa học sức khỏe.
Đủ điểm sàn vào trường nhưng không đủ đậu ngành yêu thích, làm sao?

Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn về cách thức đăng ký nguyện vọng đối với học sinh đạt giải quốc gia – Ảnh: NAM TRẦN
Cô Tuyết Lan, một giáo viên ở Hà Nội, cho biết cô đến ngày hội để hỏi thông tin cho con mình và cho cả 46 học sinh lớp cô chủ nhiệm. Trước đó cô đã đến một số trường đại học các con đăng ký nguyện vọng và được giải đáp, nhưng sau đó lại nghe có nhiều thông tin khác nên khá hoang mang.
TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng viện đào tạo báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) khuyên phụ huynh không nên “nghe nói” mà chỉ nên nắm thông tin chính xác của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông tin đăng trên website chính thức của các cơ sở đào tạo. “Cứ làm đúng thì cứ chờ đợi, không nên hoang mang vì tin đồn”, thầy Kiền nói.
Ông chia sẻ thêm một chính sách “mềm” cho thí sinh có điểm không đủ vào ngành mình yêu thích nhưng đủ điểm sàn vào trường, chẳng hạn báo chí truyền thông. Theo đó, thí sinh có thể lựa chọn ngành có điểm chuẩn thấp hơn ngành mong muốn. Sau khi vào trường học, đảm bảo yêu cầu học tập, thí sinh có thể đăng ký học ngành kép để được học thêm ngành mà mình mơ ước.
Cô Tuyết Lan cũng băn khoăn về việc năm nay điểm toán, tiếng Anh thấp do đề khó. Những thí sinh sử dụng tổ hợp toán, văn, tiếng Anh có thể thiệt thòi hơn thí sinh sử dụng tổ hợp khác. Vậy cách xử lý của các trường như thế nào?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết trong trường hợp có độ “vênh” lớn giữa các tổ hợp xét tuyển (do điểm thi các môn có sự chênh lệch lớn) thì có thể áp dụng bách phân vị đảm bảo công bằng cho thí sinh xét tuyển các tổ hợp khác nhau vào một ngành.
Bộ Giáo dục và Đào dự kiến sẽ công bố bảng bách phân vị vào ngày 21-7 để các trường tham khảo, thực hiện. Đây cũng là điểm mới năm nay mới áp dụng.
Thích vi mạch bán dẫn, đi ‘đường vòng’ được không?

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban tuyển sinh – hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, tư vấn cho thí sinh – Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi nghe TS Phan Văn Kiền tư vấn có thể đăng ký học ngành kép để theo đuổi ngành mình mơ ước nhưng chưa đủ điểm đỗ, chị Thúy Hồng, phụ huynh có con vừa tốt nghiệp Trường THPT Quang Trung – Hà Đông hỏi con có thể ‘đi đường vòng’ để theo ngành vi mạch bán dẫn, công nghệ nano… của Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội không.
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban tuyển sinh – hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố dự kiến điểm chuẩn tất cả các ngành đào tạo, nhưng điểm chuẩn chính thức chỉ chốt khi kết thúc thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng. Nên ở thời điểm hiện tại, thí sinh mong muốn vào ngành nào thì cứ mạnh dạn đăng ký.
Ông Hải cũng thông tin: thí sinh tốt nghiệp cử nhân của Đại học Bách khoa Hà Nội được phép học chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu. Đây cũng là một cách “đi đường vòng” để được học ngành mơ ước.
Song ông cũng lưu ý tại Đại học Bách khoa Hà Nội, học một ngành đã vất vả nên thí sinh cần cân nhắc để đảm bảo yêu cầu học tập.
Trao đổi thêm với gia đình thí sinh muốn học vi mạch bán dẫn, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, cho hay muốn làm việc ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn có thể học ở nhiều ngành khác nhau.
Lĩnh vực này tạm chia 2 dạng: thiết kế vi mạch và công nghệ kiểm thử đóng gói. Vì thế phụ huynh và thí sinh cần tham khảo kỹ thông tin về ngành đào tạo của các trường khối kỹ thuật công nghệ để có nhiều lựa chọn.
Đại tá Đỗ Thành Tâm, thư ký Ban tuyển sinh quân sự – Bộ Quốc phòng, cũng chia sẻ năm 2025 khối quân sự có 8 ngành tuyển sinh dân sự, với khoảng 600 chỉ tiêu, mỗi ngành tuyển khoảng 60 chỉ tiêu, riêng điện tử viễn thông tuyển 160 chỉ tiêu. Đây cũng là cơ hội cho thí sinh muốn học các ngành công nghệ của khối quân đội.
Điểm sàn trường quân đội dự kiến từ 18

Đại tá Đỗ Thành Tâm, thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng – Ảnh: NAM TRẦN
Đại tá Đỗ Thành Tâm, Thư ký Ban tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết năm 2025, bên cạnh hệ quân sự, có 10 học viện/trường quân đội tuyển sinh đào tạo hệ dân sự với khoảng 3.500 chỉ tiêu.
Trong quá trình tuyển sinh, cả hệ quân sự và dân sự đều tuân thủ theo đúng quy trình tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với hệ quân sự, các trường quân đội chỉ tuyển thí sinh đã đủ điều kiện sơ tuyển, được một trường quân đội thông báo đủ điều kiện sơ tuyển và phải đặt nguyện vọng 1 khi xét tuyển vào trường đã đủ điều kiện sơ tuyển. Với hệ dân sự, thí sinh không phải qua sơ tuyển, không giới hạn nguyện vọng.
“Thí sinh lưu ý, tránh có nguyện vọng vào hệ quân sự mà đăng ký nhầm vào hệ dân sự, khiến từ đỗ thành trượt”, ông Tâm lưu ý.
Năm nay là năm đầu tiên các trường quân đội thực hiện quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ và cộng điểm thành tích cho thí sinh có thành tích cao trong học tập. Tiếng Anh quy đổi IELTS từ 5.5 trở lên; Học viện Khoa học quân sự quy đổi cả chứng chỉ tiếng Trung Quốc và tiếng Nga với thí sinh thi vào ngành ngôn ngữ Trung Quốc và ngôn ngữ Nga.
Theo Đại tá Đỗ Thành Tâm, dự kiến trước ngày 23-7 các trường quân đội sẽ công bố và điều chỉnh điểm sàn xét tuyển, mức điểm dự kiến từ 18 điểm trở lên với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Học tâm lý ngành y có được gọi là “bác sĩ tâm lý”?
PGS.TS Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết trên thực tế có ngành tâm lý lâm sàng. Hiện Trường ĐH Y Hà Nội đang chuẩn bị để xây dựng chương trình đào tạo trong thời gian tới.
Riêng ngành tâm lý học (trường đang đào tạo) tuyển sinh khối B00, C00, C01, sau khi sinh viên tốt nghiệp chỉ cấp bằng cử nhân. Hiện không có liên thông dọc để từ ngành này lên ngành bác sĩ. Muốn trở thành bác sĩ, thí sinh phải đăng ký từ đầu.
Thầy Tùng cũng cho biết ngành tâm lý học của Trường ĐH Y Hà Nội có lợi thế là được học tập, thực hành cùng bác sĩ nên gần với tâm lý lâm sàng nhiều hơn so với trường khác.
Trả lời câu hỏi của thí sinh và phụ huynh về điểm chuẩn dự kiến vào trường năm nay, liệu có giảm không khi điểm thi toán, sinh thấp so với mặt bằng chung, thầy Lê Đình Tùng nói những ngành năm trước có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên sẽ không có thay đổi trong năm nay. Cụ thể, ngành bác sĩ đa khoa sẽ không giảm điểm chuẩn. Những ngành còn lại có thể giảm nhẹ.
Học cao đẳng có được ưu đãi?
Trả lời câu hỏi của học sinh “Học cao đẳng có những ưu đãi nào, liệu có thất nghiệp khi nhiều nơi chỉ tuyển dụng người có bằng đại học”, TS Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho rằng học đại học là bậc học danh giá, còn học cao đẳng là sự lựa chọn.
“Ai cũng muốn sẽ đỗ vào một trường đại học tốt nhất, phù hợp nhất, tuy nhiên học đại học hay học cao đẳng thì sự thành công của mỗi con người trong suốt cuộc đời không gắn với bằng cấp, mà gắn với năng lực, gắn với khả năng phát triển của mỗi người”, ông Ngọc nhận định.
Theo ông, khác với đại học, sinh viên học cao đẳng sẽ chỉ học trong 3 năm, một số trường sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài có thể lên 3,5 năm. Chương trình đào tạo hầu hết là thực hành, chiếm trên 70%.
Với ngành chip bán dẫn, để thiết kế ra các con chip, vi mạch phải là ở bậc đại học – là “nhân lực nghĩ”. Ông cho biết “nhân lực làm” chính là đội ngũ nhân lực học cao đẳng. Do vậy, việc lựa chọn bậc học phù hợp với năng lực là lý tưởng nhất, không cứ phải vào đại học mới thành công.
“Hiện nay, những ngành nghề liên quan đến cơ khí, ô tô, điện, điện lạnh… khi sinh viên vào học được nhà nước cấp 70% học phí. Với Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội thì được doanh nghiệp hỗ trợ thêm 30%, miễn học phí hoàn toàn.
Về cơ hội việc làm, hiện các doanh nghiệp trong nước đang rất khát nhân lực trình độ từ cao đẳng trở xuống, tuy nhiên chúng ta phải có năng lực học tốt, xây dựng mục tiêu rõ ràng, khi đó dù học đại học hay cao đẳng đều sẽ là lựa chọn phù hợp”, ông Ngọc nói.
Thứ tự nguyện vọng của trường và hệ thống của Bộ có cần trùng khớp?

Phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn – Ảnh: NAM TRẦN
Phụ huynh có con học Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) hỏi cách đặt nguyện vọng theo thứ tự ở trường và ở hệ thống của Bộ có buộc phải giống nhau không? Thí sinh có được đăng ký thêm/bớt nguyện vọng (so với đã đăng ký với trường) trên hệ thống của Bộ không?
“Được xét tuyển thẳng vào một trường đại học (do quyết định của trường), vậy con bắt buôc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển thẳng đó là nguyện vọng 1 hay có thể đặt sau một số nguyện vọng khác mà thí sinh yêu thích hơn nhưng không được tuyển thẳng?”, phụ huynh thắc mắc.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng vụ Giáo dục và Đào tạo, cho biết việc đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và đào tạo là bắt buộc và là quyết định cuối cùng của thí sinh trong mùa xét tuyển năm nay.
“Trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng so với thứ tự khi đăng ký ở trường, có thể thêm, bớt số nguyện vọng. Trường hợp thí sinh được xét tuyển thẳng (do quyết định của một trường), nhưng thí sinh muốn ưu tiên các nguyện vọng khác thi có thể xếp nguyện vọng mình yêu thích trước nguyện vọng được tuyển thẳng. Trường hợp không đỗ các nguyện vọng yêu thích thì cơ hội tuyển thẳng vẫn còn hiệu lực”, ông tư vấn.
Không lo lắng điểm tổ hợp D01 thấp, C00 cao
Trước thắc mắc của thí sinh “nhận điểm phúc khảo khi đã qua thời gian xét tuyển thì đăng ký ra sao”, ông Nguyễn Tiến Thảo, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết hệ thống sẽ tự động cập nhật nếu điểm sau phúc khảo của thí sinh có sự thay đổi, thí sinh hãy yên tâm.
Về băn khoăn điểm chuẩn các trường đại học năm nay có thay đổi khi phổ điểm có biến động, ông Thảo nói năm nay dự báo sẽ có sự thay đổi về điểm chuẩn, bởi các tổ hợp thi tốt nghiệp THPT đều có sự thay đổi.
“Không nên lo lắng vì điểm D01 thấp, C00 cao thì bất công. Năm nay, một trường xét tuyển bằng cả hai tổ hợp D01 và C00, sẽ có hiệu chỉnh theo bách phân vị. D01 có thể được cộng thêm điểm; C00 có thể trừ 0,5 – 1 điểm, tùy theo sự điều chỉnh của các trường để đảm bảo quyền lợi thí sinh”, ông Thảo nói.

Thời tiết oi bức không thể “làm khó” thí sinh đến ngày hội – Ảnh: DANH KHANG

Không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh cũng chủ động đặt câu hỏi cho các trường để định hướng cho con – Ảnh: DANH KHANG



Đội ngũ tư vấn của các trường tư vấn nhiệt tình cho thí sinh, phụ huynh – Ảnh: DANH KHANG
* Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật
