
Du lịch golf Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, hướng đến các thị trường tiềm năng như Nhật Bản và các thị trường khác – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mới đây ông Hồ An Phong, thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, có buổi tiếp và làm việc với ông Masafumi Shukuri, chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản – JTTRI (cơ quan thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản) xoay quanh những vấn đề về quảng bá, kết nối du lịch hai nước, trong đó đặt chú trọng về du lịch golf.
Việt Nam có nhiều sân golf chuẩn quốc tế do Nhật Bản thiết kế
Thep ông Phong, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có quan hệ bền chặt, hữu nghị truyền thống, hợp tác lâu dài và mang nhiều kết quả tốt đẹp.
Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn, quá trình phát triển của Việt Nam luôn có Nhật Bản đồng hành, là đối tác chiến lược lâu dài, bạn bè thân thiện sẵn sàng kết nối các địa phương hai nước, mở rộng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch song phương…
Nói về dư địa phát triển của các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực du lịch golf để hút khách quốc tế Nhật Bản, ông Phong nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều lợi thế với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, khí hậu thuận lợi để chơi golf quanh năm, trong đó nhiều sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế do Nhật Bản thiết kế”.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ông Masafumi Shukuri cho biết Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 2 triệu lượt khách du lịch từ Việt Nam.
Phía Nhật Bản mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với người dân Nhật Bản thông qua chương trình xúc tiến du lịch, giao lưu văn hóa, tổ chức hội thảo, tọa đàm.
Trước đó, năm 2024, lượng khách du lịch trao đổi giữa hai nước cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhật Bản đã gửi 700.000 lượt khách tới du lịch Việt Nam. Ở chiều ngược lại, đã có hơn 600.000 lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản.
Quý 1-2025, khách quốc tế Nhật Bản đến Việt Nam tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Hướng du lịch golf đến nhiều thị trường tiềm năng khác
Ngày 23-5, Tuổi Trẻ Online trao đổi với một số doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp đều kỳ vọng thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, hướng đến thị trường khách có mức chi tiêu cao. Trong đó du lịch golf hướng đến các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Đông Nam Á…
Tuy nhiên, để phát triển du lịch golf, không ít doanh nghiệp đặt nhiều giải pháp như: đẩy mạnh liên kết giữa công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh sân golf, kết hợp giữa du lịch MICE với du lịch golf; hay giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf một cách bài bản.
Hiện nay, Việt Nam có 70 sân golf và con số này còn tăng lên trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, với nhiều giải thưởng quốc tế, du lịch golf Việt Nam có danh tiếng trên bản đồ thế giới, cơ hội lớn thành “thiên đường golf của châu Á”.
Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cũng xác định du lịch golf là một trong những sản phẩm trọng tâm để nâng tầm, hướng du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Mỗi khách quốc tế golf đến Việt Nam chi tiêu trung bình 40 triệu đồng trong 5 ngày
Du lịch golf (golf tourism) là loại hình kết hợp giữa du lịch thể thao và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đặc trưng của du lịch golf là khách đến thường quay lại nhiều lần và có khả năng chi trả cao cho dịch vụ khách sạn, nhà hàng cao cấp.
Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, khách quốc tế golf đến Việt Nam chi tiêu trung bình 40 triệu đồng trong 5 ngày, chưa kể vé máy bay.