
Cơ sở nuôi tằm của anh Nguyễn Văn Cường (42 tuổi) nằm ven quốc lộ 8, thuộc xã Sơn Giang, tỉnh Hà Tĩnh (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn cũ).

Từ tháng 9/2022, anh Cường bắt đầu nhập trứng tằm về nuôi thử. Sau đó, anh đưa cây dâu lai về trồng trên diện tích 3ha tại bãi bồi ven sông Ngàn Phố làm thức ăn cho tằm và thả nuôi 2 hộp tằm mỗi tháng. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm sản xuất, sản lượng tằm thu về còn thấp.

Không bỏ cuộc, anh Cường tiếp tục đi học tập kinh nghiệm, kiến thức tại Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương.

Trở về quê, anh Cường đầu tư nuôi các giống tằm chất lượng cao như VH 2020 và giống tằm lưỡng hệ nhập từ Trung Quốc.

Tằm là một loại động vật rất nhạy cảm, đặc biệt là với các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, và thức ăn. Ví dụ, tằm ở giai đoạn còn nhỏ và trưởng thành thích hợp với các mức nhiệt độ khác nhau. Giai đoạn ươm giống, nhiệt độ thích hợp nhất là 25-28°C.

Nếu nhiệt độ không phù hợp, tằm có thể còi cọc, bỏ ăn hoặc chết. Trong khi đó, Hà Tĩnh lại là vùng có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng vào mùa hè, nhiệt độ giảm sâu vào mùa đông.


Vì thế, anh Cường đã đưa tằm vào phòng kín và đầu tư 2 máy điều hòa hai chiều. Anh còn lắp đặt thêm thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm để luôn kiểm soát nhiệt độ phù hợp cho tằm sinh trưởng.

Theo anh Cường, công tác vệ sinh và khử khuẩn khu vực nuôi tằm luôn được đặt lên hàng đầu và không cho phép bất kỳ sự chủ quan nào.
“Chỉ cần lơ là một chút cũng có thể ảnh hưởng đến cả lứa tằm”, anh Cường nói.

Khi tằm bước vào giai đoạn “chín” – thời điểm tạo kén, người nuôi sẽ chuyển chúng vào các ván gỗ, gọi là “né”.
Mỗi con tằm sẽ tự tìm đến một ô vuông để trú ngụ, bắt đầu quá trình nhả tơ, quay tơ bao bọc lấy thân mình và tạo thành chiếc kén.

Mô hình của anh Cường đang có 120 “né” tằm. Mỗi hộp tằm con nặng 100g, sau khoảng 15 ngày chăm sóc sẽ tiêu thụ hết khoảng 800kg lá dâu và cho thu hoạch 45-50kg kén.

Hiện, mô hình của anh Cường đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 7ha, đạt năng suất 9 tấn/ha. Việc lắp đặt điều hòa nuôi tằm giúp giảm tỷ lệ tằm bị bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với cách làm truyền thống.
Mỗi tháng, mô hình của anh Cường thu về 40-45 triệu đồng, trung bình mỗi năm hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 12 lao động.