Đưa mô tô nước tránh xa bãi tắm biển

Đưa mô tô nước tránh xa bãi tắm biển

bởi

trong
Đưa mô tô nước tránh xa bãi tắm biển

Mô tô nước dùng vận chuyển khách bay dù từ ngoài biển Đà Nẵng vào bờ – Ảnh: BÁ DŨNG

Hiện nhiều địa phương tạm dừng hoạt động mô tô nước, nhưng vẫn còn nhiều nơi hoạt động tự phát (dù chưa được cấp phép). Du lịch biển cần dịch vụ này nhưng không thể “sống chung” trên bãi tắm.

Lái mô tô trên mặt nước biển rất thú vị, tuy nhiên nhiều lúc khó làm chủ được tốc độ và tay lái vì cảm giác trống trải trên mặt biển kèm theo niềm phấn khích. Nên có người chuyên nghiệp ngồi sau để họ xử lý các tình huống phát sinh.
Chị NGUYỄN HOÀI THƯƠNG (32 tuổi, du khách từ TP.HCM, từng nhiều lần chơi mô tô nước)

Làm du lịch tự phát, chạy lén, chạy chui

Theo một lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, sau khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến hai em nhỏ thương vong, cơ quan này đã tham mưu TP Quy Nhơn ra công văn tạm thời đình chỉ hoạt động các phương tiện ca nô, mô tô nước để rà soát, kiểm tra giấy tờ thủ tục, văn bằng chứng chỉ.

Vị này cho hay lâu nay lực lượng biên phòng vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở việc hoạt động của các phương tiện chở khách du lịch trên mặt nước. Nhưng tại Quy Nhơn, nhiều bãi biển người dân làm du lịch tự phát, đưa ca nô nước làm dịch vụ vận chuyển khách. Khi kiểm tra xử lý các đối tượng đối phó, bỏ chạy đi nơi khác.

“Kiểm tra đầu này thì các đối tượng lại chạy đầu kia, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra nhưng không thể kiểm soát hết được. Bây giờ phải làm căn cơ ngay từ đầu, hệ thống lại các thủ tục, giấy phép kinh doanh.

Lâu nay có tình trạng bà con mua phương tiện cũ từ nơi khác về, không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm nên cứ thế chạy lén, chạy chui, xảy ra tai nạn khi chở khách” – đại diện lãnh đạo Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cho hay.

Đà Nẵng, Hội An: dừng mô tô nước sau các sự cố

Ông Nguyễn Thanh Hồng, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh này vẫn chưa cấp phép cho đơn vị nào tổ chức dịch vụ thể thao du lịch sử dụng mô tô nước.

Nhiều năm trước đây, bãi biển An Bàng, Cửa Đại ở Hội An từng “nhộn nhịp” bởi nhiều mô tô nước của các doanh nghiệp ra hoạt động phục vụ khách. Vào buổi chiều, khách tắm biển trong khi cách đó không xa các mô tô nước nẹt pô đánh lượn huyên náo khiến nhiều người kinh hãi.

Từng có vụ tai nạn xảy ra và sau đó TP Hội An đã yêu cầu chấm dứt dịch vụ này.

Tại Đà Nẵng, nhiều năm trước mô tô nước có hoạt động ở bãi tắm khu vực biển Mỹ Khê. Trải nghiệm này khiến khách phấn khích nhưng cũng tạo ra cảnh nơm nớp lo sợ cho những người khác khi mô tô nước hoạt động cách không xa nơi khách tắm.

Cách đây không lâu, có sự cố liên quan đến loại hình này nên hiện nay Đà Nẵng không tổ chức dịch vụ này nữa. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng không cấp phép dịch vụ này.

“Các mô tô nước hiện đang hoạt động trên biển Đà Nẵng là mô tô chuyên dùng để thu gom dù khi khách bay và đáp xuống mặt nước. Người điều khiển mô tô này là tài công chứ không phải du khách. Chúng tôi cũng quy hoạch khu vực hoạt động cho mô tô nước nằm riêng biệt với bãi tắm để đảm bảo an toàn cho du khách” – lãnh đạo ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nói.

Khánh Hòa: cấm mô tô nước ở bãi tắm biển công cộng

Lên mạng tìm kiếm các dịch vụ trải nghiệm mô tô nước ở Nha Trang, rất dễ dàng tìm thấy thông tin về dịch vụ này với nhiều mức giá từ 400.000 – 850.000 đồng/người để trải nghiệm mô tô nước từ 15 – 20 phút.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, cho biết khi tổ chức dịch vụ cho du khách sử dụng mô tô nước, các khu du lịch đều có quy định quản lý an toàn và đặc biệt là quy định hoạt động phải cách xa các bãi tắm công cộng.

Các đơn vị chức năng của Khánh Hòa kiểm tra thường xuyên hoạt động này. Theo ông Nhuận, mô tô nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được sử dụng trong vùng biển của những khu du lịch, các hòn đảo… Việc quản lý hoạt động này rất chặt.

“Mô tô nước không được phép hoạt động tại các bãi tắm biển công cộng” – ông Nhuận cho hay.

Ông Đàm Hải Vân – trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang – nói đa số các đơn vị du lịch được thuê mặt nước thì họ có quyền tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí trên mặt nước, trong đó có loại hình mô tô nước.

“Hằng tuần chúng tôi đều kiểm tra, kiểm tra đột xuất các dịch vụ kinh doanh trên mặt nước” – ông Vân cho hay.

Chơi mô tô nước phải biết lượng sức mình

Ông Hồ Đắc Duy – hướng dẫn viên thuộc Công ty TNHH Tour Đảo (đơn vị tổ chức hoạt động mô tô nước ở Khánh Hòa) – cho biết loại hình mô tô nước được xem là một dịch vụ thể thao giải trí khi du khách tham quan các tour đảo.

Trước khi chơi mô tô nước, du khách phải được hướng dẫn từ người có kinh nghiệm. Phần đầu phương tiện này khá nhẹ, khi chạy trên biển nếu không kiểm soát được sẽ rất dễ va chạm.

Để đảm bảo an toàn, mô tô nước chỉ được tổ chức tại những mặt nước riêng biệt, không phải bãi tắm công cộng và hoạt động trong những khu vực quản lý.

Ông Duy cũng lưu ý dù có người hỗ trợ ngồi phía sau nhưng du khách khi chơi mô tô nước phải biết lượng sức mình, giữ tốc độ an toàn, đồng thời tuân thủ đúng quy trình của bên cung cấp dịch vụ.

Quy Nhơn: dừng các phương tiện không đảm bảo an toàn

Đưa mô tô nước tránh xa bãi tắm biển - Ảnh 2.

Khu vực biển Hòn Khô tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) trước khi xảy ra vụ tai nạn, có nhiều mô tô nước hoạt động vận chuyển khách du lịch – Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 2-5-2025, UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) cho hay đã ban hành văn bản tạm dừng hoạt động các phương tiện ca nô, mô tô nước không đủ điều kiện để kiểm tra sau vụ tai nạn.

Ông Nguyễn Phương Nam, phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho hay ngay sau khi xảy ra vụ việc, TP đã ban hành văn bản tạm dừng hoạt động các phương tiện chưa đủ điều kiện trên địa bàn để kiểm tra, rà soát. Đồng thời kiểm tra điều kiện hoạt động của người điều khiển phương tiện.

Phương tiện và người điều khiển không đảm bảo điều kiện sẽ dừng hoạt động. Theo ông Nam, hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Bình Định thụ lý điều tra, chưa công bố nguyên nhân cụ thể.

Trưa 1-5, một chiếc mô tô nước di chuyển tại khu vực biển Hòn Khô, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đã bị mắc vào dây buộc phao chuối làm kẹt dây ga. Chiếc mô tô mất lái, lao vào bờ biển và va chạm với hai em nhỏ đang đứng tại đây khiến một em tử vong, em còn lại bị thương nặng.

Theo thông tin ban đầu, người lái mô tô không phải là du khách.

Vũng Tàu: Ca nô nước chủ yếu để phục vụ cứu hộ, cảnh báo du khách

Ông Phạm Khắc Tộ – giám đốc Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu – cho biết mô hình dịch vụ ca nô nước đã không còn rầm rộ, dày đặc ở các bãi tắm Vũng Tàu như trước đây.

Trước đây có hơn 100 ca nô nước ở các bãi tắm Vũng Tàu nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20 chiếc hoạt động. Trong đó chủ yếu là kiêm thêm nhiệm vụ cứu hộ, chạy cảnh báo du khách, hướng dẫn du khách không tắm nơi có ao xoáy, nguy hiểm đến tính mạng.

Với những ca nô đang hoạt động, cơ quan chức năng yêu cầu người lái chỉ chạy bên ngoài, xa khu vực du khách tắm biển. Khi trả khách cũng chọn nơi vắng người hay giảm tốc độ tối đa, đi từ từ vào bãi tắm.

Ngoài ra cơ quan chức năng phối hợp với cảnh sát đường thủy thường xuyên kiểm tra chứng chỉ an toàn, tuyên truyền cho người lái ca nô đảm bảo an toàn cho mình và du khách tắm biển.

Nạn nhân thứ hai nguy kịch

Nạn nhân tử vong trong vụ việc là em Đ.P.M.K. (8 tuổi), còn nạn nhân bị thương nặng là em Đ.P.K.N. (14 tuổi, đến từ Hà Nội).

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định thông tin em Đ.P.K.N. nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người, chấn thương sọ não nặng, não bị tổn thương và xuất huyết nhiều vị trí. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu hai lần. Chiều 2-5, bệnh nhân vẫn hôn mê và đang thở máy.