Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Nhà nước sẽ chuyển dịch nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về các đại học theo lộ trình, coi đây là những trung tâm nghiên cứu lớn với nhân lực dồi dào.
Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát biểu giải trình một số ý kiến của đại biểu, nói một trong những chính sách lớn của dự luật là chuyển nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học.
Theo Bộ trưởng, đây là định hướng lớn của Nhà nước. Việc chuyển dịch cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tất cả quốc gia đều coi cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản và tập trung nhiều nhân lực, gồm cả nhân lực trẻ, giảng viên, giáo sư, nghiên cứu sinh…
Ông cho rằng việc chuyển dịch này không có nghĩa loại bỏ vai trò của Viện nghiên cứu trong nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, các viện nghiên cứu, nhất là hai Viện hàn lâm Khoa học của Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiên cứu cơ bản phù hợp thế mạnh, cơ cấu tổ chức và định hướng phát triển của mình.
Đồng thời, dự luật cũng thúc đẩy các trường đại học phát triển mô hình ba chức năng: Đào tạo – Nghiên cứu – Đổi mới sáng tạo. Đây là mô hình phổ biến ở các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến. Mô hình này tạo ra hệ sinh thái học thuật bền vững, năng động và có sức lan tỏa sâu rộng.
Dự luật cũng chuyển trọng tâm phát triển về doanh nghiệp. Lần đầu tiên dự thảo có chương riêng gồm các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua chính sách mồi. “Nguyên tắc Nhà nước chi một thì thu hút 3 – 4 đồng của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hùng nói.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Giang Huy
Phát huy năng lực của các Viện nghiên cứu quốc gia
Phát biểu trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn Hải Dương, đồng tình với chủ trương chuyển dịch hoạt động nghiên cứu cơ bản về các cơ sở giáo dục đại học.
Bà nói đây là một hướng đi đúng, phù hợp thông lệ quốc tế. Tại các quốc gia phát triển, hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản chủ yếu được thực hiện trong các trường đại học, nơi vừa thực hiện đào tạo, vừa là trung tâm sản xuất tri thức mới. Các đại học cũng thúc đẩy công bố quốc tế và phát hiện khoa học nền tảng. “Việc đưa nghiên cứu cơ bản về cơ sở giáo dục đại học giúp tối ưu hóa đầu tư công, tránh trùng lặp và phân tán nguồn lực giữa các đơn vị”, đại biểu Nga nói.
Tuy nhiên, bà cho rằng việc chuyển dịch này cần lộ trình và chính sách cụ thể, tránh những hệ lụy không mong muốn và bảo đảm tính bền vững của hệ sinh thái khoa học, công nghệ quốc gia.
Theo bà, cần đánh giá đúng năng lực hiện tại của các trường đại học. Hiện nay, nhiều trường đại học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu. Số lượng công bố quốc tế, nghiên cứu cơ bản cấp quốc gia còn hạn chế. “Nếu chuyển dịch không đi kèm đầu tư bài bản, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín khoa học quốc gia”, bà nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Theo đại biểu, các Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Toán học, Vật lý, Hóa học… đang là nơi quy tụ đội ngũ tinh hoa nhất trong nghiên cứu cơ bản. Nếu xem nhẹ vai trò của các viện này hoặc cắt giảm đầu tư đột ngột có thể làm gián đoạn các nghiên cứu dài hạn, làm mất tính liên tục và nền tảng của khoa học nước nhà.
Do đó, thay vì chuyển dịch theo nghĩa rút từ nơi này sang nơi khác, bà đề nghị đầu tư có chọn lọc cho các trường đại học có năng lực, định hướng phát triển mô hình đại học nghiên cứu. Đồng thời, Nhà nước cần duy trì và phát triển các viện nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện những nhiệm vụ khoa học chiến lược, dài hạn, mà trường đại học khó đảm đương.
Ngoài ra, bà đề nghị có cơ chế phối hợp và chia sẻ nguồn lực giữa viện và trường; hình thành các nhóm nghiên cứu liên viện, liên trường, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, đồng tài trợ đề tài.
Viện và trường có thể chia sẻ cơ sở vật chất nghiên cứu dùng chung, sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm. Các viện có thể tham gia đào tạo. Các trường có thể nhận nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu cấp quốc gia.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng dự luật chưa có chính sách đặc thù cho các tổ chức khoa học công nghệ trọng điểm, nhất là hai đại học Quốc gia và hai Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.
Đây là những trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu về số lượng các nhà khoa học cũng như vị thế, đóng góp quan trọng trong xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đào tạo nhân lực; xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự luật cần làm rõ hơn những chính sách đặc thù cho các cơ sở nghiên cứu này. Nhất là cơ chế để hai Viện Hàn lâm làm tốt nhiệm vụ “cung cấp luận cứ khoa học cho công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội”.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội, cho rằng phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước cung cấp khung pháp lý, đầu tư hạ tầng và nguồn lực ban đầu. Thị trường chuyển đổi các kết quả thành sản phẩm và dịch vụ có giá trị. Xã hội định hình nhu cầu, cung cấp tri thức và giám sát để bảo đảm tính bền vững.
Tuy nhiên, các quy định trong Dự thảo chưa tạo ra một cơ chế liên kết chặt chẽ giữa ba bên, dễ dẫn đến tình trạng “việc ai đấy làm”. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế đối thoại, phối hợp với sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và tổ chức xã hội. Cơ chế này sẽ xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đánh giá hiệu quả chính sách và đề xuất chiến lược, định hướng trong phát triển khoa học.
Trong đó, ông đề nghị dự luật bổ sung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn chi phí khi sử dụng dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, hoặc công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Đây là cơ chế đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công, giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa quy trình sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp sớm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.
Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận hội trường ngày 13/5 và dự kiến thông qua trong đợt họp thứ hai của kỳ họp.
Sơn Hà
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ