Dựng “lô cốt” ở vòng xoay Dân Chủ để thi công Metro số 2 TPHCM

Dựng “lô cốt” ở vòng xoay Dân Chủ để thi công Metro số 2 TPHCM

bởi

trong

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, luồng xe cộ qua vòng xoay Dân Chủ (TPHCM) đang bị ảnh hưởng từ việc rào chắn, thi công dự án đường sắt đô thị (metro) số 2 đoạn Bến Thành – Tham Lương.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Giang, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, đây là gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật từ vị trí CC1 (Bến Thành) đến ga ngầm S6.

Phần việc chính của gói thầu là nắn chỉnh, di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm như cáp điện, cáp viễn thông, ống nước… trong phạm vi các ga ngầm từ CC1 đến S6 (6 vị trí).

Dựng “lô cốt” ở vòng xoay Dân Chủ để thi công Metro số 2 TPHCM

Nhà thầu (Công ty CP Công trình Giao thông công chánh) dựng rào chắn tại bùng binh Dân Chủ để di dời các đường ống ngầm, phục vụ thi công Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương (Ảnh: Ngọc Tân).

Hiện, việc di dời hạ tầng kỹ thuật tại 4 ga ngầm gồm ga Hòa Hưng, Lê Thị Riêng, Phạm Văn Hai và Tao Đàn đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu đã đổ bê tông hoàn trả mặt bằng. Chỉ còn ga Dân Chủ và đoạn CC1 gần ga Bến Thành đang thi công. Dự kiến, nhà thầu hoàn trả mặt bằng vào giữa tháng 10.

“Các hạ tầng kỹ thuật ngầm dưới lòng đất tại TPHCM rất phức tạp. Dù đã có bản vẽ, khảo sát chi tiết, khi đào xuống, chúng tôi vẫn phát hiện thêm các đường ống, đường dây cũ từ thời xưa, phải tốn thêm thời gian xử lý”, ông Giang chia sẻ.

Cũng theo chỉ huy công trường, ga S3 nằm tại vòng xoay Dân Chủ nên việc di dời các đường ống ngầm gặp khó khăn hơn các đoạn khác. Công nhân phải vừa duy trì thi công, vừa đảm bảo không làm gián đoạn việc đi lại của người dân.

Theo quan sát của phóng viên, vòng xoay Dân Chủ thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Đường Cách Mạng Tháng Tám hiện là tuyến đường có lưu lượng lớn nhất tại TPHCM và vòng xoay Dân Chủ là nút giao lớn nhất trên tuyến đường này.

Dựng lô cốt ở vòng xoay Dân Chủ để thi công Metro số 2 TPHCM - 2

Phạm vi ga ngầm S3 cắt qua bùng binh Dân Chủ (Đồ họa: Ngọc Tân).

Bùng binh Dân Chủ nằm tại trung tâm TPHCM, là giao điểm của 7 tuyến đường gồm Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, 3 Tháng 2, Nguyễn Thượng Hiền và 2 đầu của đường Cách Mạng Tháng Tám. 

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, công tác giải phóng mặt bằng của tuyến Metro số 2 đoạn Bến Thành – Tham Lương đã cơ bản hoàn thành. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đang được gấp rút triển khai để phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025.

Ngày 4/7, Thủ tướng đã có quyết định dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Ngân hàng Tái Thiết Đức (KfW) đối với dự án Metro số 2. Hiện, TPHCM tập trung thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo hình thức đầu tư công, áp dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 188/2025/QH15.