
Đất nhà tôi năm 2010 được trả giá 25 triệu đồng một m2, năm 2012 tăng vọt lên 50 triệu, nhưng chỉ hai năm sau tụt xuống còn 35 triệu.
“Có một thực tế mà những ai từng tham gia vào thị trường bất động sản đều không lạ gì, đó là từ năm 2010 đến năm 2012, giá nhà và đất cũng tăng tới 200%, lập đỉnh tại thời điểm đó. Thế nhưng sau đó thì sao? Giá nhà đất đã chững lại và neo ở mức cao (chủ yếu qua lời của các môi giới bất động sản). Để rồi, tới năm 2014, thị trường lao dốc và chạm đáy, mức giảm khoảng 30%.
Cụ thể, đất nhà tôi năm 2010 được người ta trả giá 25 triệu đồng một m2. Đến năm 2012, giá thị trường tăng lên tới 50 triệu đồng một m2 (tức tăng 100% chỉ sau hai năm). Thế nhưng, cũng chỉ mất hai năm tiếp theo, giá đất giảm còn 35 triệu đồng một m2. Thế nên, tôi rút ra một kết luận rằng ‘đừng bao giờ tin lời dụ dỗ của các cò nhà đất rằng ‘giá bất động sản chỉ có tăng, không có giảm’.
>>
Thực tế, ổn định như giá vàng mà còn có lúc tăng vọt và giảm mạnh, huống hồ là nhà đất. Còn nhớ, giai đoạn 2009 – 2011, thị trường vàng từng biến động dữ dội khi giá vàng miếng trong nước tăng vọt từ 19 triệu đồng lên 49 triệu đồng mỗi lượng. Thế nhưng, cuối năm 2011, giá vàng bắt đầu giảm mạnh, suốt giai đoạn 2012 – 2018 chỉ loanh quanh dao động trong khoảng 34-36 triệu đồng một lượng. Đáng chú ý, giá vàng còn giảm xuống đáy ở mức 32,45 triệu đồng một lượng vào cuối năm 2015.
Cò đất cứ hay thao thao rằng ‘nhu cầu nhà đất trong dân rất cao’nhưng những thống kê lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác: 86% giao dịch là lướt sóng (sở hữu dưới một năm), chỉ 14% là sở hữu trên một năm. Cứ hô hào ‘nguồn cung thiếu nhiều’, nhưng tôi cho rằng chỉ thiếu cung ngắn hạn do đầu cơ lướt sóng mà thôi.
Tôi ủng hộ việc đánh thuế đầu cơ, lướt sóng bất động sản để ổn định cung – cầu, để giá nhà tăng chậm (2-5%) thay vì 15-17% như hiện nay. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu (ít nhất là 20% cho năm đầu tiên và giảm dần về 2% cho năm thứ 5). Đánh thuế sở hữu căn nhà thứ hai (ít nhất là 15%) cũng là một giải pháp khả thi. Làm như vậy mới có thể triệt tiêu dân đầu cơ tích trữ, lướt sóng nhà đất, làm lũng đoạn thị trường”.
Đó là quan điểm của độc giả xung quanh thực trạng như hiện nay. Thực tế, giá nhà tại hai thành phố lớn nhất nước liên tục neo cao, kể cả khu vực ven đô khiến người trẻ chùn chân. Theo ghi nhận, bốn tháng đầu năm, rổ hàng chung cư tại huyện ven Hà Nội dù chững giá song vẫn neo cao. Giá chuyển nhượng tại một số dự án cách trung tâm hơn 15 km vượt 50 triệu đồng mỗi m2, thậm chí tiến sát 60 triệu đồng. So với giai đoạn 2018-2019, thời điểm chung cư huyện ven chủ yếu phân khúc bình dân dao động 18-30 triệu đồng một m2, mặt bằng giá hiện tại đã tăng 2-2,7 lần.
Quan điểm của bạn thế nào?
Xét theo đà tăng giá nhà, phân khúc chung cư tại Hà Nội tăng trung bình 22% mỗi năm kể từ 2020 đến nay, trong khi tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của lao động cả nước theo ghi nhận của Tổng Cục thống kê chỉ ở mức 8,6% vào năm 2024. Số liệu thống kê từ Numbeo, nền tảng cơ sở dữ liệu chi phí sinh hoạt lớn nhất thế giới, chỉ ra tính đến quý I/2025, người lao động sinh sống và làm việc tại Hà Nội cần tích lũy trung bình khoảng 24,7 năm thu nhập mới đủ tài chính mua nhà tại thành phố này.
- Ôm đất ‘đồng không mông quạnh’ hy vọng tăng giá 100% sau sáp nhập tỉnh
- Trái đắng ‘lướt sóng’ căn nhà 4,5 tỷ của cụ ông U70
- Có 11.000 m2 đất dưỡng già sau 30 năm làm con nợ
- Cục nợ mua nhà Sài Gòn 3 tỷ đồng khiến tôi như ‘trâu cày’
- Sự vô lý của căn chung cư 100 m2 hét giá 9 tỷ đồng
- Tôi ‘bị điên’ khi mua nhà Sài Gòn 13 năm trước