Sáng 4.7, theo dự kiến TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án đối với 41 bị cáo trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn. Tuy nhiên, do có tình tiết mới, hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi.

Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu
ẢNH: PHÚC BÌNH
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn “khóc cả đêm vì mừng”
Hội đồng xét xử cho hay, trong thời gian nghị án, tòa có nhận được 2 biên lai. Một biên lai 768 tỉ đồng do Tập đoàn Phúc Sơn nộp, để khắc phục hậu quả thay cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch tập đoàn này. Một biên lai 200 triệu đồng, do bị cáo Phùng Quang Hùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nộp để khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Trả lời về biên lai nêu trên, đại diện Tập đoàn Phúc Sơn xác nhận số tiền 768 tỉ đồng là do tập đoàn phối hợp cùng một đối tác, nộp thay cho bị cáo Hậu.
Bị cáo Hậu cũng cho biết nhận được thông báo về việc tòa chấp nhận cho xử lý 196 lô đất để lấy tiền khắc phục hậu quả. Bị cáo nói chỉ chợp mắt 2 – 3 tiếng, “quay sang bên trái nước mắt ướt tay trái, quay sang phải nước mắt ướt tay phải”, khóc vì mừng, vì được cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện để khắc phục triệt để hậu quả vụ án.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn thêm một lần bày tỏ sự ăn năn, hối hận khi sai phạm của mình đã khiến 40 bị cáo khác vướng vòng lao lý. Bị cáo mong với việc đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, tòa sẽ cho các bị cáo trong vụ án được hưởng khoan hồng.
Nêu ý kiến về diễn biến mới, đại diện viện kiểm sát ghi nhận Nguyễn Văn Hậu đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, do đó đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần mức án mà trước đó cơ quan này đã đề nghị.
Cụ thể, viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Hậu 14 – 15 năm tù về tội đưa hối lộ (trước đó là 17 – 18 năm), 11 – 12 năm tù (trước đó là 15 – 16 năm) về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 7 – 8 năm tù (trước đó là 11 – 12 năm) về tội vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Viện kiểm sát cũng đề nghị giảm nhẹ mức án đối với một số bị cáo nhóm tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, bao gồm nhiều cựu quan chức tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong số này, các ông Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Phạm Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) và Hà Hòa Bình (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) cùng được đề nghị giảm còn 3 – 4 năm tù.
Trước diễn biến nêu trên, hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài, sẽ tuyến án vào sáng 11.7 tới.

Đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa
ẢNH: PHÚC BÌNH
Loạt cựu quan chức dính bê bối nhận hối lộ
Theo cáo buộc, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm quy định về đấu thầu và kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.168 tỉ đồng.
Đặc biệt, để “thâu tóm” các dự án xây dựng, Hậu dùng 72,5 tỉ đồng và 2,62 triệu USD (tổng số hơn 132 tỉ đồng) để hối lộ nhóm bị cáo là cựu quan chức tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi và một số người khác.
Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị cáo buộc nhận 25 tỉ đồng và 1 triệu USD (tương đương gần 48 tỉ đồng). Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 20 tỉ đồng và 1,3 triệu USD (tương đương gần 50 tỉ đồng).
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhận 22 tỉ đồng và 200.000 USD; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa nhận 6,4 tỉ đồng; cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhận 6 tỉ đồng…
Quá trình xét xử, các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng. Nhóm cựu lãnh đạo địa phương trình bày bối cảnh sai phạm, nhiều người cho biết sau khi nhận tiền hối lộ đã dùng một phần để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Các bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối hận, mong được khoan hồng.
Nguyễn Văn Hậu thì cho hay, trước khi bị khởi tố vụ án đã có đơn tố giác người nhận và chủ động nhận tội. Do đó, bị cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. Đáng chú ý, bị cáo nói khối tài sản của bản thân gồm hơn 2.200 lô đất, 500 cây vàng SJC và sổ tiết kiệm 250 tỉ đồng…; chỉ cần bán 196 lô đất cũng đã đủ khắc phục toàn bộ thiệt hại vụ án (hơn 1.100 tỉ đồng), trong khoảng 5 ngày.