Từ nóc rừng, tiếng chim ríu ran lẫn vào tiếng gió phả mùi ẩm của rêu đá và lá mục, một thứ mùi không thể tìm thấy ở đâu ngoài nơi hoang dã này. Đứng trước cảnh rừng kỳ vĩ tôi mới thực sự cảm được vì sao Chương lại yêu rừng đến thế, một tình yêu gần như mê đắm.
Xốc lại ba lô, chúng tôi đi về phía chiếc cầu treo chung chiêng bắc qua vực chảy xiết, lúc này tiếng suối chỉ còn nghe róc rách, lẫn trong đó có cả tiếng thở từ rừng sâu vọng lại. Chiếc cầu treo bện bằng dây thừng và tre lồ ô nối vắt vẻo hai bên bờ, uốn theo con đường mòn luồn giữa lau lách rồi mất hút trong bóng lá.

Minh họa: Văn Nguyễn
Tôi không nghĩ chuyến đi này sẽ mang đến điều gì đặc biệt, chỉ là một cuộc rong chơi ngắn ngủi tránh xa thành phố ồn ào khói bụi. Chương, người bạn đồng hành tôi quen trong một hội thảo về bảo tồn sinh thái, rủ tôi leo núi, tìm đến con suối anh tình cờ phát hiện trên bản đồ du lịch cũ. Một nơi được đánh dấu bằng ký hiệu màu xanh và những đường gạch mờ nhạt như thể ai đó từng đến rồi quên mất cách quay trở lại.
Chúng tôi bắt đầu từ con đường đất vắt qua những đồi chè, rồi rẽ vào triền núi. Chương đi trước, chiếc ba lô cồng kềnh trên lưng, anh huýt sáo suốt đoạn đường như người đi xa được trở về nhà. Mùi cỏ ẩm, mùi đất đồi và cả tiếng suối róc rách khiến tôi nghe lòng bình yên đến lạ. Khi nắng len qua những tán lá, tôi mới nhận ra mình đã ở một nơi rất xa, xa đến mức chỉ cần nhắm mắt lại tôi có thể quên mất đường về.
Trên tảng đá rộng, Chương loay hoay với chiếc bản đồ cũ mèm, anh trải nó ra rồi chỉ cho tôi xem vị trí rừng anh đang khảo sát. “Người ta dự tính khai thác gỗ ở đây, nhưng may thay, nơi này đến hôm nay vẫn nguyên sơ”. Chương nói rồi đứng lên đi nhặt hộp xốp, vỏ chai mắc dưới rễ cây cho vào chiếc túi mang bên mình. Nhìn Chương đuổi theo dòng nước cố vớt bịch ni lông lềnh bềnh, tôi trộm nghĩ, nếu mỗi người đến đây đều mang đi một chút rác như anh, thì nơi này sẽ còn tuyệt hơn. Mở túi soạn thức ăn và nước uống ra tảng đá, tôi cắt bánh mì thành từng khoanh nhỏ, phết bơ. Chương có lẽ đã đói, nhỏm dậy cùng ăn, vừa ăn vừa lấy chiếc la bàn, loay hoay định vị. Tôi ngồi trên tảng đá khum khum hình mai rùa thõng chân khua nước, ngắm những con gọng vó chân dài lướt trên mặt suối phẳng lì. Sau khe đá vài chú ếch nghe tiếng xao động vội nhảy tòm xuống lao đi mất hút, để lại hình thù những bóng nắng mỏng manh.
Chương khe khẽ huýt sáo, mơ màng nhìn lên nóc rừng rộn tiếng chim buổi sớm. Lắng tai, tôi nhận ra giai điệu quen thuộc của bản Comme toi. Chợt Chương quay sang khẽ nói: “Tôi nghĩ mình có thể ở luôn nơi này”.
“Anh sẽ buồn đấy! Sống một mình trong rừng không dễ chút nào”, tôi cười, giục Chương thu dọn đồ đạc để còn lên ngọn đồi phía trên. Dọc đường đi, Chương loay hoay chụp ảnh, đánh dấu tọa độ những cây cổ thụ, những loài hoa bản địa quý hiếm và cả những tổ chim nằm trong bụi rậm. “Tôi đang lập một hồ sơ sinh thái cho khu vực này”, anh nói, mỗi lúc một say sưa hơn: “Nếu đủ dữ liệu, có thể đề xuất bảo tồn nó theo dạng rừng cộng đồng, người dân địa phương sẽ cùng quản lý, vừa giữ rừng, vừa có kế sinh nhai. Giữ vẻ nguyên sơ cho rừng cũng là một niềm kính trọng với thiên nhiên”.
Yên lặng quan sát công việc anh làm, tôi bắt đầu thấy thú vị. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Chương xăm xăm đi trước, đến con thác nhỏ, anh dừng lại thận trọng dìu tôi qua. Càng vào sâu, cảnh rừng càng hiện ra đẹp đến bất ngờ. Chương dạo quanh với chiếc máy ảnh chụp từng góc rừng rồi quay lại chỉ vào khóm hoa tím lẫn giữa những bụi cỏ. “Giang có nhìn thấy con đường mòn bên cạnh bụi hoa kia không? Nó dẫn lên cánh rừng trên cao kia! Giờ tôi dẫn đường, Giang theo sau, thở sâu và chậm, đừng nói nhiều sẽ nhanh mất sức”.
Cùng Chương men theo lối mòn lên cao tôi mới nhận ra Chương thật tài dù chỉ lần đầu đặt chân đến nơi này. Lối mòn nếu nhìn bằng mắt thường sẽ khó nhận ra vì cỏ xanh phủ lấp, phải là người đi rừng lâu năm mới có thể phát hiện ra lối đi. Men theo dòng suối, chúng tôi dừng lại bên một đoạn đất bị xói lở. Chương lấy trong ba lô ra một cuộn dây thừng nhỏ và vài cọc gỗ. Anh chôn cọc vào đất, kéo dây thừng ràng quanh cảnh báo vùng nguy hiểm. Trong khi Chương hì hục làm, tôi cũng tranh thủ trồng thêm mấy cụm cây bụi bản địa để giữ đất.
Chúng tôi đặt chân lên đỉnh đồi, trời đã qua trưa. Chương lặng nhìn dãy núi xa mờ, lẩm bẩm: “Tôi không chắc điều mình làm có thay đổi được gì, nhưng ít ra mình đã gieo những hạt mầm. Biết đâu sau này ai đó sẽ đi qua và tiếp tục tưới nước cho nó”. Nhìn những đám mây lững lờ trôi, chợt anh quay lại hỏi: “Một lúc nào đó… tôi bỗng biến mất, Giang có nhớ hôm nay không?”.
Tôi cười, mà không hiểu sao thấy lòng mình se thắt. Chúng tôi đứng trên đỉnh đồi khi mặt trời bắt đầu chếch về phía tây, ánh sáng cuối ngày vẽ những vệt vàng sậm màu trên dốc đá. Gió mang theo mùi ngai ngái của cỏ non, của quả rừng thối rữa. Khi cách tôi vài bước, Chương xoay người lại, im lặng giơ máy ảnh bấm một kiểu. Rồi một kiểu nữa, cứ như anh đang lưu giữ khung cảnh này và cả tôi vào một miền ký ức.
“Giang à”, Chương thầm thì. “Sau này có thể chúng ta sẽ chẳng còn nhớ chính xác đã đi qua bao con suối, trèo lên bao ngọn đồi. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ nhớ hôm nay”. Tôi yên lặng ngồi xuống khúc cây mục. Tôi biết, mọi cuộc rong chơi đều có hồi kết. Nhưng có những nơi, khi đã chạm vào đủ để lòng ngân rung một giai điệu ngọt ngào, vào một buổi chiều mỏi gối nào đó giữa đời.
Trên đường trở về, trời đột ngột đổ mưa. Cơn mưa ở rừng ào ạt khiến chúng tôi không kịp xoay xở. May thay gần đó có một túp lều trơ trọi, có lẽ của người bản địa dựng tạm để nghỉ ngơi trong những lần đi núi. Chúng tôi lao về phía đó. Nhìn tôi ướt lướt thướt, Chương bật cười, lục ba lô lấy ra chiếc khăn khẽ lau tóc cho tôi. Bàn tay Chương vừa chạm vào, tôi đã nghe như một luồng điện chạy dọc sống lưng. Có vẻ như tránh cho tôi nỗi bối rối, Chương rì rầm kể về mẹ và lý do anh chọn công việc bảo tồn thiên nhiên, vì một lời hứa trước khi mẹ qua đời.
Đến tận sau này, khi tôi trở lại cánh rừng ấy một mình, tảng đá chúng tôi ngồi vẫn nằm chỗ cũ, nước vẫn trong veo, trên nóc rừng tiếng chim vẫn ríu ran. Chỉ là Chương đã không còn trở lại. Chiếc bản đồ cũ, chiếc máy ảnh anh để quên, tôi vẫn giữ trong ba lô của mình. Thỉnh thoảng tôi nghe như văng vẳng đâu đó tiếng huýt sáo của Chương, bản Comme toi giữa một chiều nắng nhạt.
Chiều xuống. Trên đường về, Chương dừng bên một gốc cây cổ thụ, lấy ra chiếc túi nhỏ đựng hạt giống. “Anh mang từ chỗ chị Hậu ở trung tâm bảo tồn cây rừng. Chị ấy bảo nếu có dịp vào rừng thì gieo thử vài hạt”.
Tôi cúi xuống cùng Chương cẩn thận moi những hốc đất nhỏ nơi có ánh sáng. Chúng tôi bỏ từng hạt giống xuống như đặt vào lòng đất một điều ước giản đơn. Xong việc, Chương mở máy ảnh cho tôi xem những bức hình anh chụp trong suốt hành trình. Có tấm một chú bướm trắng đậu trên vai tôi, có tấm đôi chim giẻ cùi đang tình tứ mổ nhau trên cành khô gãy. Và có cả tấm tôi đứng bên thác nước, nắng xiên qua tóc như một dải tơ trời. “Anh sẽ in một cuốn sách ảnh về chuyến đi này”. “Để làm gì?”, tôi hỏi. “Để kể cho mọi người nghe về những cánh rừng hãy còn hoang sơ, về những người đang âm thầm bảo vệ rừng, về em, về hôm nay”.
Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại trong Lán Gió, chiếc lán gỗ do một nhóm bạn trẻ dựng nên để phục vụ các chuyến khảo sát. Sáng hôm sau, trời hãy còn mù sương, Chương đã thức dậy lặng lẽ đi nhặt rác dọc trên con đường mòn dẫn vào rừng. Tôi đi sau, mang theo chiếc túi bỏ những vỏ hộp thiếc, nắp lon, và cả những chiếc dép nhựa trôi dạt từ đâu về. Chúng tôi rời rừng vào buổi chiều. Trên đồi, những bụi hoa hãy còn rực rỡ. Chương ngoái nhìn về phía cánh rừng, một tay đặt lên ngực như muốn giữ nhịp đập của quãng thời gian ngắn ngủi này, tiếng anh thì thầm: “Mai kia nếu em không thấy anh đâu, cứ trở lại nơi này. Biết đâu, anh đã là một cái cây đứng giữa rừng”.
Tôi cười nhưng lòng nghèn nghẹn. Từ hôm đi cùng Chương trở về, tôi bắt đầu viết về rừng nhiều hơn, về những con người thầm lặng giữ màu xanh. Những lá thư Chương viết cho tôi thưa dần… thưa dần, rồi mất hẳn. Tôi không dám hỏi lý do. Có thể vì lý tưởng, vì một lời hứa hay đơn giản vì một ngọn gió nào đó đã cuốn anh khỏi những ràng buộc mơ hồ.
Nhiều năm sau, tôi trở lại nơi ấy. Đúng như lời Chương nói, Chương đã lặng lẽ rời xa mọi kết nối ồn ào và đi theo những dự án khác ở vùng sâu. Còn tôi, đôi khi lại một mình thầm lặng tìm về chốn cũ. Chiếc lán gỗ ngày xưa đã mục, sụm xuống sau những cơn bão mùa. Vài gốc măng trồi lên mặt đất, non mềm và thơm ngậy. Bên bụi cây nhỏ, nơi chúng tôi từng gieo hạt, một cây dẻ rừng đã lớn. Tôi bất giác cúi xuống khẽ nhặt chiếc lá vàng, chợt nghe tiếng huýt sáo đâu đây, một giai điệu xưa cũ khiến tim tôi thắt lại. Dưới chân, một mầm cây vừa nhú, non xanh đến mức ánh sáng dường như trong suốt qua mầm lá nhỏ. Tôi ngồi bên phiến đá lấy ra chiếc máy ảnh Chương để quên. Trong máy có một tấm ảnh tôi đang ngồi bên suối, sau lưng là màu xanh của rừng và nắng rơi nghiêng trên vai. Tôi mỉm cười. Màu xanh ấy tôi sẽ mang theo trong hành trình gieo hạt của mình.
Mùa xuân năm đó, tôi quay trở lại cánh rừng một lần nữa.
Tôi đi trên con đường mòn xưa, băng qua đồng cỏ và dòng suối như thác đổ. Cây dẻ chúng tôi từng gieo hạt đã cao lên quá đầu. Tôi run run chạm vào thân cây thô ráp, nghe lòng bàn tay có mạch nước ngầm chảy trong từng thớ gỗ. Dưới chân dốc, bóng ai vừa đi qua. Dáng người cao gầy, màu áo và chiếc ba lô quen thuộc. Tôi nghe tim mình khẽ rung, có khi nào đó là người tôi vẫn luôn chờ đợi? Bóng người đến gần. Không phải Chương…
Chiều xuống, trên đường về tôi gặp một nhóm học sinh trường nội trú theo cô giáo đi thực địa về hệ sinh thái rừng. Các em lăng xăng ghi chép tên từng loại cây. Cô giáo mời tôi cùng ngồi nghỉ chân. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó tôi đã kể cho các em nghe về chuyến đi lần đầu của mình, khi đặt chân lên cánh rừng này.
Ba tháng sau, tôi ngồi trong quán cà phê nhỏ giữa trời chiều Đà Lạt, bên ngoài mưa bụi lất phất. Bất ngờ, màn hình điện thoại sáng lên tin nhắn từ một số lạ: “Hẹn em ở Lán Gió”. Tôi lặng người. Lán Gió? Nơi tôi từng trú ngụ qua đêm đã sụm xuống lâu rồi. Giờ đây ai còn ở đó? Sao lại nhắn cho tôi?
Giải tỏa nỗi tò mò, tôi tức tốc lên xe máy chạy về phía cánh rừng, lòng vòng qua những con dốc đồi khuất lấp trong mây. Đến Lán Gió, đêm đã chập choạng buông. Giữa màn sương bảng lảng, bóng một người ngồi bên bếp lửa bập bùng. Chiếc áo khoác anh mặc cũ sờn, đầu đội mũ nỉ màu đất tôi từng thấy trong lần gặp đầu tiên, mái tóc lòa xòa trên vai được buộc thành một túm.
“Chương!”, tôi run run gọi.
Anh quay lại. Vẫn ánh mắt biết cười mỗi khi nhìn tôi, vẫn đuôi mắt nheo lại hóm hỉnh. Nhưng tôi nhận ra trong sóng mắt đó giờ đây đã mênh mang một trời tĩnh lặng, như thể bao năm, cuối cùng anh đã trở về và ngồi đây, đợi tôi.
“Tháng trước anh trở lại dựng căn lán này, nhưng không nhắn em, không biết, liệu em có còn nhớ nơi đây”, Chương cười, nắm tay tôi chặt hơn.
Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên anh, cho thêm một thanh củi gộc vào bếp lửa rực cháy. Bên kia sương phủ trắng cánh rừng, nhưng tôi vẫn nhìn thấy ở đó một dòng thác ầm ào đang mãnh liệt trào dâng.