Đặt chân xuống sân bay Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Ngọc Nhứt ngỡ như đang mơ bởi sau cú ngã từ mái nhà 12 năm trước, anh nghĩ đời mình đã chấm dứt.
Hai tuần nay, trong căn phòng trọ ở ngoại ô Seoul, Nhứt bắt đầu một năm học dự bị bằng cách dùng hai khuỷu tay cụt kẹp bút, tập viết tiếng Hàn và bài luận cho hồ sơ thạc sĩ vào Đại học Hanbat kỳ tới.
“Trước khi đến Hàn Quốc, tôi từng bốn lần thi trượt chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK 4. Để sống như người bình thường, tôi đã học cách chấp nhận sự khiếm khuyết cơ thể”, chàng trai 27 tuổi quê Cần Thơ mở đầu bài luận.
Nhứt lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ nên bỏ học từ 15 tuổi, theo nghề hàn cửa sắt. Năm 2014, trong lúc làm công trình, Nhứt rút sắt vô tình chạm vào dây điện trung thế, bị giật mạnh rồi ngã từ mái nhà xuống đất, bất tỉnh.
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), bác sĩ nói phải cắt bỏ tay trái. Hai tháng sau tay phải của anh cũng hoại tử, buộc phải tháo bỏ.
“Tôi nghĩ đời mình đến đây là chấm hết”, Nhứt nói. Điều duy nhất níu giữ anh lúc tỉnh dậy trên giường bệnh với hai tay cụt lủn là hình ảnh người cha đứng dựa tường khóc còn mẹ đã bạc nửa mái đầu.
Ở tuổi 16, Nhứt lần nữa trở thành đứa trẻ trong vòng tay bố mẹ, tập cầm muỗng, thay áo, đánh răng. Khi vết thương lành, anh đi tìm việc nhưng chỗ nào cũng lắc đầu.
“Tôi biết mình phải có ngã rẽ mới”, Nhứt nói. “Và học là con đường duy nhất”.

Nguyễn Ngọc Nhứt trong quán cà phê thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngọc Nhứt đăng ký đi học lại ở một trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngày đầu vào lớp, anh cúi đầu, đi thẳng vào bàn vì ngại đôi tay cụt. Sự tự ti càng hằn sâu khi anh nhận ra đầu óc mình trống rỗng, giáo viên phải giảng ba, bốn lần, anh mới hiểu.
Nhưng cậu bé 16 tuổi ấy không bỏ cuộc. Ba năm liền, Nhứt cắm đầu học chỉ vì một câu nói vụt qua của mẹ: “Chắc nó sẽ là người đầu tiên trong nhà học hết lớp 12”. Năm 2020, Ngọc Nhứt giành giải ba TP Cần Thơ trong cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay và thi đỗ ngành marketing, Đại học Công nghệ TP HCM.
Kim Phụng, 25 tuổi, lần đầu gặp Nhứt trong một kỳ thi thử tốt nghiệp THPT. Khi đó, cô là học sinh hệ chính quy, còn anh học tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy khác trường, khác hệ nhưng cả hai cùng tham gia kỳ thi chung.
Ấn tượng ban đầu của Phụng là sự tò mò. Cô không hiểu vì sao một học sinh giáo dục thường xuyên lại có điểm thi thử cao hơn cả mình ở hầu hết các môn. Sau đó Phụng tìm hiểu về cậu bạn và càng nể phục khi biết Nhứt bị mất cả hai tay từ trước. “Anh ấy đã phải tập viết, lật sách và học bài bằng hai khuỷu tay”, Phụng nói. “Sự điềm tĩnh và cách anh học khiến tôi cảm phục”.
Đỗ đại học, Nhứt một mình lên TP HCM, mang theo vài triệu đồng bố mẹ gom góp gửi theo. Không muốn trở thành gánh nặng, anh cố tự xoay xở, tiền thuê phòng, học ngoại ngữ đến sinh hoạt phí. Thầy cô và bạn bè cũng luôn hỗ trợ anh còn trường cấp học bổng để giảm bớt gánh nặng cho cậu sinh viên nghèo khiếm khuyết.
Nhưng sống một mình ở thành phố không dễ. Chật vật xoay xở mọi thứ khiến chàng trai bất ổn tâm lý, nhiều lần muốn buông xuôi, về quê.
Một chiều ở quận Bình Thạnh, khi Nhứt đang ngồi ăn bên lề đường, cụ bà bán vé số ngang qua. Bà đi vài bước rồi quay lại, nhét vào tay anh một tờ và nói: Chúc con may mắn.
Hành động đó khiến cảm xúc vỡ òa. Nhứt hiểu ra, dù mọi thứ ở thành phố này có vẻ hối hả và vô tâm nhưng con người vẫn luôn lặng lẽ mong muốn điều tốt đẹp cho nhau. Anh quyết định ở lại.

Nguyễn Ngọc Nhứt trong lễ tốt nghiệp trường Đại học HUTECH, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu năm 2023, khi đang học năm ba, Nhứt nhận học bổng trao đổi sinh viên tại Đại học Chung‑Ang Hàn Quốc nhưng bị từ chối visa do không đủ điều kiện chứng minh tài chính.
Lấy lại động lực cũng là lúc Nhứt sắp tốt nghiệp đại học. Anh nhớ lần được một tổ chức thiện nguyện đưa sang Hàn Quốc lắp tay giả. Dù không thành công, chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc, khiến anh mong muốn được trở lại, lần này là để du học.
Anh bắt đầu với kỳ thi TOPIK 4, chứng chỉ năng lực tiếng Hàn dành cho người nước ngoài. Lần đầu thi, Nhứt trượt. Tốc độ làm bài chậm, anh thường lúng túng khi lật đề bằng phần xương cụt còn lại, mất thời gian, không hoàn thành được nhiều câu. Lần hai, phần viết tiếp tục là trở ngại khiến anh rời phòng thi trong thất vọng. Nhứt bắt đầu hoài nghi bản thân.
Lần ba, anh nghĩ đến bố mẹ, đến hai chị đang lao động ở Hàn Quốc và kỳ vọng của cả nhà dành cho thằng út. Lần bốn, anh học thâu đêm, sửa từng lỗi nhỏ nhất. Phải đến lần thi thứ năm, kiến thức và kinh nghiệm làm bài tích lũy dần, anh mới đạt được TOPIK 4.
“Khi hồ sơ du học được trường chấp nhận, tôi gọi về cho bố mẹ, nước mắt chực trào”, Nhứt nói.
Kim Phụng, người bạn theo dõi Nhứt suốt 5 năm qua, cho biết anh đã đặt chân đến Hàn Quốc không phải với tư cách một người khuyết tật, mà là người có ước mơ và nghị lực.
“Mọi nỗ lực của anh đã được ghi nhận”, cô nói.
Ngọc Ngân