Sáng 23.5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện ca phẫu thuật hiến tạng của anh Đ.V.L (37 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh) – người vừa ra đi vì xuất huyết não. Gia đình anh L. đã quyết định hiến tim, phổi, gan, 2 thận và 2 giác mạc để cứu các bệnh nhân khác.
Đứng lặng lẽ bên ngoài phòng mổ, người vợ, cũng là một nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh dõi theo từng khoảnh khắc bên trong phòng mổ qua màn hình giám sát.
Khi các hộp bảo quản vô trùng lần lượt được đưa ra khỏi phòng mổ, chị bước tới, đôi mắt đẫm lệ. Rồi bất ngờ quỳ xuống, bàn tay run rẩy chạm nhẹ vào từng hộp chứa những phần cơ thể của người chồng quá cố, như một lời chào tiễn biệt.

Người vợ quỳ gối khóc tiễn biệt tạng của chồng
ẢNH: THẾ THIÊM
“Anh đi rồi, nhưng em biết anh vẫn sống. Trong từng nhịp tim, trong từng hơi thở, trong đôi mắt của những người khác,” chị nghẹn ngào nói. Khoảnh khắc ấy khiến tất cả những người có mặt nghẹn ngào, xúc động.
Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bệnh nhân Đ.V.L nhập viện vào đêm 21.5 trong tình trạng hôn mê sâu, sau cơn xuất huyết não nặng. Dù đã được hồi sức tích cực, nhưng sự sống không thể níu giữ. Sau 3 lần đánh giá đúng quy trình, các bác sĩ xác định bệnh nhân đã chết não. Gia đình sau đó đồng thuận hiến tạng.
Ca phẫu thuật lấy đa tạng được chỉ đạo trực tiếp bởi bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia.

Người vợ theo dõi ca phẫu thuật lấy tạng qua màn hình
ẢNH: THẾ THIÊM
Sau hơn 5 giờ, toàn bộ các tạng được phân phối khẩn trương tới các cơ sở y tế trên cả nước. Cụ thể, 2 thận được ghép ngay cho 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối tại Quảng Ninh và Hà Nội. Tim và gan được chuyển về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; phổi được điều phối về Bệnh viện Phổi T.Ư; 2ai giác mạc lần lượt được gửi đến Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Mắt T.Ư.
Một bác sĩ trong ê-kíp phẫu thuật xúc động chia sẻ: “Chúng tôi xin tri ân sự hy sinh thầm lặng của người hiến tạng. Đây là món quà vô giá, trao hy vọng, trao sự sống cho những người đang ở ranh giới của sự sống và cái chết”.
Những thách thức và kỳ tích của ngành ghép tạng
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, ghép tạng là một kỹ thuật y học phức tạp bậc nhất, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa và đội ngũ nhân lực lớn.

Tạng của bệnh nhân được đưa lên bệnh viện tuyến trên
ẢNH: THẾ THIÊM
Việc tìm người nhận phù hợp, chuẩn bị phẫu thuật trong thời gian gấp rút và đảm bảo chất lượng tạng là những yếu tố sống còn. Trong đó, ghép tim được đánh giá là thách thức cao nhất, cần bảo quản tuyệt đối nghiêm ngặt và triển khai ghép trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo thành công.
Ở Việt Nam, ghép tạng đã có bước tiến dài kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992. Tính đến nay, đã có hơn 9.000 ca ghép tạng được thực hiện, phần lớn là ghép thận. Riêng trong năm 2024, ghi nhận 39 trường hợp hiến tạng từ người chết não, con số cao nhất từ trước tới nay, nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới.