
Nền tảng video ngắn TikTok đang đối mặt với mức phạt 600 triệu USD của EU vì vi phạm quyền riêng tư – Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters ngày 2-5, TikTok – nền tảng video ngắn nổi tiếng toàn cầu – vừa bị Liên minh châu Âu (EU) phạt 530 triệu euro (khoảng 602 triệu USD) sau khi một cuộc điều tra phát hiện ứng dụng này đã chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu sang Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC), đại diện cho EU, cho biết TikTok đã cho phép nhân viên tại Trung Quốc truy cập từ xa vào dữ liệu của người dùng châu Âu mà không đảm bảo mức độ bảo mật tương đương với tiêu chuẩn của EU.
DPC là cơ quan đứng đầu EU trong việc giám sát các công ty công nghệ có trụ sở khu vực đặt tại Ireland. Kể từ khi có quyền xử phạt năm 2018, DPC đã phạt nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, X và Meta.
Ban đầu, TikTok phủ nhận việc lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu tại các máy chủ Trung Quốc, nhưng sau đó vào tháng 4, công ty này thừa nhận đã làm điều đó ở một mức độ giới hạn.
Phó ủy viên DPC, ông Graham Doyle, nhấn mạnh TikTok không chứng minh được dữ liệu người dùng châu Âu được bảo mật chặt chẽ, đồng thời không xử lý các rủi ro liên quan đến việc dữ liệu có thể bị truy cập bởi chính quyền Trung Quốc theo các đạo luật chống gián điệp và luật khác – vốn được chính TikTok thừa nhận là khác biệt đáng kể so với chuẩn mực của EU.
Trước án phạt này, TikTok tuyên bố sẽ kháng cáo và khẳng định “chưa từng nhận bất kỳ yêu cầu nào” từ chính phủ Trung Quốc liên quan đến dữ liệu người dùng châu Âu.
Công ty này cũng nhấn mạnh công ty mẹ của TikTok – ByteDance – dù đặt trụ sở tại Bắc Kinh nhưng hiện có phần lớn cổ phần thuộc các nhà đầu tư quốc tế.
Đây là lần thứ hai EU phạt TikTok vì vi phạm quyền riêng tư. Trước đó vào năm 2023, TikTok từng bị phạt 345 triệu euro vì vi phạm các quy định về xử lý dữ liệu trẻ em tại châu Âu.
TikTok đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tại Mỹ, chính quyền liên bang đã yêu cầu ByteDance phải bán lại hoạt động TikTok tại Mỹ nếu không muốn bị cấm vì lo ngại dữ liệu của người dùng Mỹ có thể rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.
Nhiều quốc gia khác như Pakistan, Nepal và vùng New Caledonia của Pháp cũng đã từng tạm thời cấm ứng dụng này vì lo ngại an ninh dữ liệu.