Ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Fintech toàn cầu
Theo báo cáo từ QED Investor và BCG, doanh thu toàn ngành Fintech dự kiến tăng từ 245 tỷ USD năm 2022 lên hơn 1.500 tỷ USD vào năm 2030, tương đương mức tăng trưởng gấp hơn 6 lần trong vòng chưa đầy một thập kỷ.
Sự tăng tốc này phần lớn được thúc đẩy bởi các công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây và blockchain – những công cụ đang làm thay đổi cách vận hành, quản trị rủi ro và tương tác với khách hàng trong ngành tài chính. Trong đó, AI được xem là trụ cột giúp các công ty Fintech tối ưu hóa vận hành, tự động hóa quy trình, đồng thời nâng cao hiệu quả trong khâu phòng chống gian lận và ra quyết định tín dụng.
McKinsey dự báo trong giai đoạn 2023-2028, Fintech sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao gấp ba lần so với các ngân hàng truyền thống, nhờ khả năng linh hoạt, thích ứng nhanh và khả năng xây dựng các mô hình kinh doanh mới. Đáng chú ý, trong bối cảnh hành vi người tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang nền tảng số, việc tập trung vào cải thiện trải nghiệm khách hàng (CX) trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Fintech toàn cầu.

Tập trung vào cải thiện trải nghiệm khách hàng (CX) trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Fintech toàn cầu (Ảnh: Viettel Money).
Theo thống kê của DemandSage, khoảng 2/3 giao dịch tài chính hiện nay được thực hiện trực tuyến, và 64% người dùng toàn cầu sẵn sàng sử dụng dịch vụ Fintech. Riêng trong năm 2024, hơn 57,8% giao dịch Fintech được thực hiện thông qua ứng dụng di động, phản ánh xu thế số hóa ngày càng rõ nét. Người dùng hiện nay không chỉ tìm kiếm sự tiện lợi, tốc độ, mà còn kỳ vọng vào tính bảo mật và cá nhân hóa trong trải nghiệm tài chính.
Đáp lại kỳ vọng này, các doanh nghiệp Fintech đang tích cực tích hợp công nghệ để tạo ra dịch vụ nhanh, dễ tiếp cận và an toàn hơn. Từ thanh toán không tiếp xúc (contactless), ví điện tử, đến các nền tảng quản lý tài chính cá nhân, lĩnh vực Fintech ngày càng mở rộng không gian phục vụ. Một trong những điểm sáng là phương thức thanh toán A2A (Account-to-Account) – cho phép người dùng chủ động khởi tạo giao dịch từ tài khoản cá nhân hoặc nhận yêu cầu thanh toán qua hệ thống ngân hàng hoặc nền tảng Fintech, giúp giảm lệ thuộc vào các trung gian và tối ưu chi phí giao dịch.
Ngoài ra, công nghệ AI ngày càng được ứng dụng sâu để nâng cao an ninh tài chính. Theo báo cáo của MarketWatch, các công ty Fintech đang triển khai hệ thống phát hiện gian lận theo thời gian thực, cho phép cảnh báo sớm, chặn giao dịch bất thường và bảo vệ người dùng khỏi các hành vi lừa đảo. Những cải tiến này không chỉ củng cố niềm tin người dùng mà còn thúc đẩy hệ sinh thái tài chính toàn cầu phát triển theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn.
Việt Nam vươn mình trên bản đồ công nghệ tài chính
Hưởng lợi từ hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và sự gia tăng các khoản đầu tư mạo hiểm, Fintech Việt Nam phát triển mạnh từ đầu 2010, song hành với nhu cầu số hóa ngày càng cao trong lĩnh vực tài chính. Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường Fintech Việt Nam ước tính đạt 19,98 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 50,20 USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR là 20,23%.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Fintech trong nước đang dồn lực đầu tư vào công nghệ và tối ưu trải nghiệm người dùng để giữ vững đà phát triển. Từ việc cải tiến giao diện ứng dụng, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, đến tích hợp AI, machine learning và phân tích dữ liệu lớn để cá nhân hóa dịch vụ – các công ty nội địa đang chứng minh khả năng thích nghi nhanh và linh hoạt với xu thế toàn cầu.
Các ví điện tử phổ biến như MoMo, ZaloPay, ShopeePay hay nền tảng tài chính số toàn diện như Viettel Money hiện đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đến người dân, đặc biệt ở những khu vực chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ. Cùng với đó, Fintech Việt cũng đang từng bước xây dựng hệ sinh thái đa tầng, kết nối giữa thanh toán, tiêu dùng, quản lý tài chính, bảo hiểm và đầu tư.

Viettel Money vừa được vinh danh ở hạng mục “Excellence in Monetizing the Network” nhờ chiến lược trải nghiệm khách hàng đột phá (Ảnh: Viettel Money).
Một trong những ví dụ tiêu biểu là Viettel Money – nền tảng tài chính số do Tập đoàn Viettel phát triển. Tại TM Forum Excellence Awards 2025, Viettel Money được vinh danh ở hạng mục “Excellence in Monetizing the Network” nhờ chiến lược trải nghiệm khách hàng đột phá. Đây là lần thứ hai nền tảng này được ghi nhận tại TM Forum, sau giải thưởng “Beyond Connectivity” vào năm 2022. Viettel Money cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh cùng hạng mục với các tập đoàn công nghệ – viễn thông hàng đầu như Huawei (Trung Quốc), Ericsson (Thụy Điển), Jio Platforms (Ấn Độ), China Unicom và e& (UAE).
Theo đó, đội ngũ phát triển CX của Viettel Money đã chủ động ứng dụng và nội địa hoá mô hình CEMM (Customer Experience Maturity Model) từ TM Forum, qua đó xây dựng nền tảng trải nghiệm khách hàng giai đoạn 2025–2030 trên sáu lĩnh vực trọng yếu là trải nghiệm, chiến lược, văn hoá, công nghệ, dữ liệu và vận hành. Với triết lý “thiết kế trải nghiệm từ bên trong tổ chức”, mỗi sản phẩm – dịch vụ ra mắt đều đảm bảo mang đến sự thuận tiện, an toàn và dễ sử dụng cho người dùng.
Ngoài ra, nền tảng này còn phát triển hệ thống phân tích hành vi và mô hình duyệt hồ sơ thông minh, giúp người dân ở vùng sâu vùng xa có thể nhanh chóng tiếp cận các sản phẩm tín dụng và dịch vụ tài chính chính thống. Nhờ đó, Fintech không chỉ phục vụ các đô thị lớn mà còn góp phần mở rộng tài chính toàn diện – một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số.