
Một gia đình nhỏ và hai mảnh ghép của Gia đình lớn – FV
Chị Huỳnh Kim Thi bắt đầu công việc tại Đơn vị săn sóc đặc biệt (ICU) của Bệnh viện FV từ năm 2004. Sau khoảng thời gian bị “choáng ngợp” bởi một bệnh viện quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại và quy trình làm việc rất bài bản, chị Thi ngày càng quý mến FV khi cảm nhận rõ sự tử tế – theo cách chị nói là nơi “làm việc đàng hoàng và nhân văn“. Là một hộ lý, chị chứng kiến không ít khoảnh khắc sinh tử của bệnh nhân, đồng hành cùng các điều dưỡng và bác sĩ trong nhiều ca bệnh nguy kịch.

Chị Thi đồng hành cùng các điều dưỡng và bác sĩ chăm sóc cho nhiều ca bệnh nguy kịch trong suốt hơn 20 năm qua
Sau 5 năm gắn bó với FV, chị Thi thuyết phục chồng thử sức tại môi trường làm việc mà mà chị cho là tuyệt vời. Anh Ngọc Trị – người thường xuyên đưa rước vợ đi làm, đã nghe và nhìn “đủ nhiều” về FV thông qua vợ, nên quyết định ngưng công việc của anh khi đó, gia nhập đội ngũ FV trong vai trò y công. Anh làm việc tại nhiều khoa khác nhau trước khi là thành viên Khoa Cấp cứu. Trải nghiệm của anh về FV đều giống như trong hình dung của anh từ lời vợ kể. “Chỉ có điều 15 năm qua, vì tính chất công việc và khác ca làm nên hai vợ chồng phải mạnh ai nấy đi tới bệnh viện“, chị Thi vui vẻ chia sẻ.
Đặc biệt, anh Trị đảm nhiệm một vai trò hầu như ít ai sẵn sàng làm: “người coi sóc” nhà đại thể bệnh viện. Gần 10 năm qua, anh Trị là người cuối cùng tiễn biệt các bệnh nhân đã qua đời, lo chu toàn mọi chi tiết, giữ gìn sự trang nghiêm nơi đây bằng tâm thế kính cẩn. Anh làm việc bằng sự lặng lẽ và kiên nhẫn hiếm có. Chị Thi cho rằng chính anh đã giúp mình vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, cũng như luôn tin rằng người làm việc thiện thì tương lai sẽ được đền đáp.

Anh Trị gắn bó với công việc tại Nhà đại thể Bệnh viện FV
Trong 20 năm đồng hành cùng FV, anh Trị và chị Thi, đã vun vén được một tổ ấm với 6 thành viên. FV cũng đã trở thành mái nhà thứ hai của anh chị.
“FV không để tôi đơn độc trong cuộc chiến chống ung thư”
Cuộc sống của hai vợ chồng sẽ êm đềm trôi qua nếu như không có biến cố sức khỏe ập đến.
Chị nhớ cách đây 2 năm khi nhận được kết quả chẩn đoán mắc ung thư phổi, cả hai vợ chồng ngồi chết lặng bên nhau ngay trong bệnh viện cũng là nơi họ làm việc… Nỗi lo gánh nặng viện phí và cảm giác sợ bị “bao vây” trong sự quan tâm của đồng nghiệp, anh chị bàn nhau đi điều trị ở một cơ sở y tế khác. “Lúc đó cả hai đều hy vọng sẽ có câu trả lời khác hoặc có một phép màu nào đó“, chị Thi hồi tưởng.
Kết quả xét nghiệm sau đó vẫn là sự thật nghiệt ngã. Khi phải đối mặt với hai chọn lựa: chiến đấu hoặc buông xuôi, cả hai đã chọn tiếp tục cùng nhau chiến đấu với nghịch cảnh. Không giỏi ăn nói, anh Trị chỉ lặng lẽ làm tốt nhất mọi điều anh có thể làm cho chị. Sự vững vàng, thái độ bình tĩnh của anh đã tiếp sức cho chị trên hành trình gian truân phía trước.

Với thái độ điềm đạm và bình tĩnh, anh Trị là điểm tựa vững chắc cho chị Thi trong cuộc chiến chống ung thư
Khi biết tin, các đồng nghiệp tại ICU báo tình huống của chị lên Ban Giám Đốc. Bác sĩ Vũ Trường Sơn, lúc đó vừa đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Y khoa, đã hành động ngay. “Bác sĩ Sơn sắp xếp mọi việc, cả chuyện xin hồ sơ điều trị của tôi ở bệnh viện bạn về. Bác sĩ thuyết phục tôi ở lại FV điều trị, các chuyện khác cứ để sau khi hết bệnh rồi tính“, chị Thi không cầm được nước mắt khi nhớ lại khoảng thời gian đó.
Chị Thi bộc bạch, chị dường như đã “quên” mình là bệnh nhân K khi quanh chị là những gương mặt thân quen, đặc biệt là nụ cười ấm áp của bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, và những lời động viên ân cần của các đồng nghiệp. Chị không thể nào quên giây phút bác sĩ Lương Ngọc Trung – Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu & lồng ngực, hỏi chị muốn chọn bác sĩ nào mổ thì anh sẽ cố gắng sắp xếp. “Một bác sĩ giỏi như bác sĩ Trung mà thật khiêm tốn! Tôi hiểu rằng anh muốn tôi được điều trị tốt nhất. Đối với tôi, được các bác sĩ FV như những người thân điều trị, thì còn cần lựa chọn ai khác nữa‘”, chị Thi xúc động nói.
Như những gì hai anh chị vẫn thường nhắc nhau trong gia đình nhỏ của mình, rằng sự tử tế và chân thành trao đi, một ngày nào đó sẽ quay lại với những ơn đền tương xứng. Chị nói, chính FV đã giúp chị “được sống trở lại”. Đây là cảm xúc rất khó diễn tả trọn vẹn: niềm hạnh phúc, lòng biết ơn và một tình yêu xen lẫn niềm tự hào dành cho nơi chốn chị tin yêu gắn bó và nay còn cho chị cuộc đời mới.

Với chị Thi, FV không chỉ là nơi làm việc mà còn là nhà, nơi giúp chị vượt qua sinh tử và trao cho chị cuộc đời mới
Điều trị ung thư là chặng đường dài và bệnh nhân sẽ cần rất nhiều động lực để chiến thắng căn bệnh quái ác này. Với chị Thi, cảm giác chiến thắng gần như đã đến ngay từ giây phút quay trở lại điều trị tại FV. “Điều tuyệt vời nhất trong quá trình điều trị là tôi nhận ra: FV không để tôi đơn độc và không để chúng tôi bị bỏ lại phía sau“, chị Thi hạnh phúc nói.
Nhiều người tìm đến FV như một địa chỉ uy tín về y tế, với vợ chồng anh Trị và chị Thi, FV còn hơn thế – đó là nhà. Cả hai bộc bạch niềm tự hào khi chung tay đắp bồi nền móng cho môi trường “làm việc đàng hoàng” này, mến mộ những đồng nghiệp lăn xả giúp người và cũng nhận lại từ FV những gì xứng đáng. Tinh thần nhân văn này là một di sản vô giá của FV mà chỉ những thành viên trong “gia đình FV” mới cảm nhận trọn vẹn.