‘Gamification tạo cầu nối để thương hiệu làm bạn với người dùng’

‘Gamification tạo cầu nối để thương hiệu làm bạn với người dùng’

bởi

trong

Gamification giúp thương hiệu tạo tương tác tự nhiên, khơi gợi cảm xúc và xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng qua trò chơi, theo chuyên gia Gameloft.

Thông tin do ông Ngô Thái Duy, Production Manager, Gameloft Business Solution nêu tại buổi GameTalk với chủ đề “Tương lai của ngành game: Từ giải trí đến công cụ truyền thông số”, phát sóng 15h ngày 13/5 trên VnExpress.

Chương trình với sự tham gia của ông Nguyễn Trí Nhân, Backend Lead Producer tại Gameloft for Brands; ông Ngô Thái Duy, Production Manager tại Gameloft Business Solutions. Bà Trần Ngọc Thủy, Audio Project Manager là host chương trình.





‘Gamification tạo cầu nối để thương hiệu làm bạn với người dùng’

Tọa đàm “Tương lai ngành game – từ giải trí đến công cụ truyền thông số”. Ảnh: GameTalk

Gamification là cách các thương hiệu đưa yếu tố trò chơi vào các hoạt động tiếp thị, từ luật chơi, phần thưởng, thử thách đến hành trình khám phá. Người dùng không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều mà được tham gia vào câu chuyện thương hiệu.

Trong hơn 40 phút tọa đàm, các diễn giả đến từ Gameloft đã cùng bàn luận về tiềm năng, thách thức và cách ứng dụng hiệu quả hình thức truyền thông này tại Việt Nam.

Chìa khóa giữ chân người dùng

Gamification không chỉ là công cụ tạo sự chú ý ngắn hạn, mà còn đóng vai trò lớn trong việc xây dựng lòng trung thành. Ông Nhân cho biết, nhiều trò chơi hiện nay cập nhật nội dung theo mùa, theo sự kiện như Giáng sinh, Tết, sinh nhật người dùng hay ngày hội thành viên, từ đó tạo cảm giác được công nhận và “thuộc về” cho người chơi. “Chính cảm giác được tưởng thưởng và kết nối ấy giúp người dùng gắn bó sâu sắc hơn với thương hiệu”, ông nói thêm.

Tại Dubai, Gameloft từng triển khai chiến dịch gamification trong các trung tâm thương mại, nơi khách hàng tương tác với các thử thách trên nền tảng kỹ thuật số để tích điểm, đổi quà và khám phá dịch vụ. Các yếu tố như đồ họa bắt mắt, nội dung gần gũi và cách chơi đơn giản đã giúp chiến dịch đạt lượng tương tác cao, thời gian trải nghiệm dài và mức độ ghi nhớ thương hiệu tốt hơn so với hình thức quảng bá truyền thống.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong buổi tọa đàm là sự khác biệt trong cách tiếp cận gamification giữa thị trường quốc tế và Việt Nam. Theo ông Ngô Thái Duy, tại Việt Nam, gamification được áp dụng rất linh hoạt, thường kết hợp chặt chẽ với yếu tố văn hóa, lễ hội và truyền thống. Ví dụ, các chiến dịch tích điểm đổi quà trong các sự kiện Tết, Trung thu hay các trò chơi tô màu, đọc truyện tương tác có lồng ghép câu chuyện dân gian và yếu tố công nghệ.





Ông Ngô Thái Duy, Gameloft Business Solution Production Manager chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: GameTalk

Ông Ngô Thái Duy, Gameloft Business Solution Production Manager chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: GameTalk

Ông cho biết một số trò chơi còn sử dụng hình thức “mở khóa” để tăng mức độ gắn kết, chẳng hạn như người dùng quét mã QR ẩn trong món quà, từ đó kích hoạt nhân vật hoặc trải nghiệm nội dung đặc biệt. “Tốc độ lan truyền của gamification tại Việt Nam cũng rất nhanh, đây là điểm đặc trưng mà nhiều thị trường khác cần học hỏi”, ông nhận định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trí Nhân lưu ý rằng thương hiệu cần hiểu rõ hành vi người dùng. Trò chơi phải dễ nắm bắt, thời gian chơi vừa đủ và truyền tải thông tin mạch lạc. Ngoài ra, cần chú ý đến chi phí và yếu tố văn hóa. “Một trò chơi tại Trung Quốc nhưng lại dùng hình ảnh đũa gắp mì Ý là ví dụ không phù hợp”, ông nói.

Các chuyên gia trong buổi tọa đàm đều nhất trí rằng gamification không còn chỉ là một lựa chọn phụ trợ, mà đang dần trở thành một trụ cột trong chiến lược truyền thông của các thương hiệu, đặc biệt với nhóm đối tượng trẻ như Gen Z và Alpha. Trong bối cảnh các nền tảng số phát triển mạnh, người dùng ngày càng khó tiếp cận bằng quảng cáo truyền thống, thì gamification mang lại giải pháp mang tính trải nghiệm, gợi mở cảm xúc và thúc đẩy hành động.

Xu hướng chủ đạo trong truyền thông số tương lai

Theo nhận định của các chuyên gia, gamification sẽ không chỉ là xu hướng nhất thời. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng khó tiếp cận bằng hình thức quảng cáo truyền thống, việc tạo trải nghiệm tương tác trở thành lựa chọn tất yếu.

Ông Duy cho biết trong 3-5 năm tới, gamification sẽ cá nhân hóa sâu hơn nhờ công nghệ và dữ liệu người dùng. Trò chơi có thể “đo ni đóng giày” theo thói quen, sở thích và lịch sử mua sắm. Đây sẽ là công cụ hiệu quả để xây dựng hành trình khách hàng từ nhận biết đến trung thành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Nhân, các thương hiệu cần chuẩn bị kỹ càng. Thách thức đến từ việc cân đối ngân sách, chọn đúng công nghệ và hiểu sâu về hành vi người dùng. Gamification chỉ hiệu quả khi trò chơi thực sự tạo được hứng thú và gắn với mục tiêu truyền thông cụ thể.





Ông Nguyễn Trí Nhân, Backend Lead Producer tại Gameloft for Brands. Ảnh: GameTalk

Ông Nguyễn Trí Nhân, Backend Lead Producer tại Gameloft for Brands. Ảnh: GameTalk

Cả hai chuyên gia đều cho rằng gamification là công cụ nên được đầu tư nghiêm túc. Với thị trường Việt Nam, nơi người tiêu dùng cởi mở và yêu thích sự mới lạ, đây là cơ hội để các thương hiệu tạo khác biệt trong chiến lược truyền thông.

“Gamification không chỉ là cách chơi, mà là cách kể chuyện, cách thương hiệu trở thành một phần trong cuộc sống số của người tiêu dùng”, ông Duy kết luận.

Kết thúc buổi tọa đàm, ông gửi lời khuyên đến các doanh nghiệp đang cân nhắc triển khai gamification nên bắt đầu từ sự thấu hiểu khách hàng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ và văn hóa bản địa. Nếu làm tốt, mỗi chiến dịch không chỉ dừng lại ở quảng bá mà còn trở thành một hành trình trải nghiệm đáng nhớ của người tiêu dùng.

GameTalk là một trong những hoạt động diễn ra trước thềm Vietnam GameVerse, nơi quy tụ các chuyên gia, nhà phát triển, streamer và người yêu game để cùng thảo luận về xu hướng phát triển, công nghệ mới cũng như cơ hội trong ngành công nghiệp game.

Thái Anh