
Bệnh gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ chất béo trong gan, thường do uống rượu, béo phì và tiểu đường gây ra.
Định nghĩa
Gan chứa một ít mỡ là bình thường. Tuy nhiên, nếu lượng mỡ chiếm hơn 5% trọng lượng gan thì được gọi là gan nhiễm mỡ. Hầu hết, bệnh không gây ra triệu chứng nhưng theo thời gian, sự tích tụ mỡ khiến gan khó hoạt động hơn.
Triệu chứng
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và không do rượu thường không có triệu chứng. Một số người có thể có các dấu hiệu như mệt mỏi hoặc đau ở phía trên bên phải bụng.
Viêm gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa hoặc xơ gan có thể có các triệu chứng như sau:
- Bụng sưng.
- Mạch máu dưới da giãn nở.
- Ngực to hơn bình thường ở nam giới.
- Lòng bàn tay đỏ.
- Da và mắt có màu vàng (vàng da).
- Buồn nôn, sụt cân hoặc chán ăn.
- Mệt mỏi hoặc lú lẫn.
- Xét nghiệm chức năng gan bất thường.
Phân loại bệnh
Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) cũng được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Có hai dạng:
- Gan nhiễm mỡ đơn thuần: Người bệnh xuất hiện mỡ trong gan nhưng có thể không gây viêm hoặc tổn thương tế bào gan. Tình trạng này thường không trở nên tồi tệ hơn hoặc gây ra các vấn đề về gan.
- Viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASH): Tình trạng này được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH). Viêm và tổn thương tế bào gan ở trường hợp này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu (ALD)
Loại này ít phổ biến hơn và do uống rượu gây ra, thường sẽ cải thiện nếu người mắc ngừng uống rượu. Nếu tiếp tục uống, bệnh có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng tiến triển theo từng giai đoạn:
- Gan to gây đau hoặc khó chịu ở phía trên bên phải bụng.
- Viêm gan do rượu là tình trạng sưng ở gan có thể gây sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, vàng da, mắt.
- Xơ gan do rượu là tình trạng tích tụ mô sẹo khiến gan không hoạt động bình thường.
Nguy cơ
Gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu:
- Uống nhiều rượu.
- Béo phì.
- Suy dinh dưỡng.
- Mắc viêm gan siêu vi mạn tính, đặc biệt là viêm gan C.
- Các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng hoặc lưu trữ chất béo.
- Gene, các tình trạng bệnh lý hiện có và các yếu tố môi trường khác
Gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa:
- Béo phì hoặc thừa cân.
- Cơ thể không phản ứng với insulin như bình thường (kháng insulin) hoặc bệnh tiểu đường type 2.
- Người có mức triglyceride hoặc cholesterol xấu (LDL) cao hoặc mức cholesterol tốt (HDL) thấp.
- Bệnh thận mạn tính.
- Người lớn tuổi.
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Suy giáp.
- Suy sinh dục (hormon sinh dục thấp) hoặc thiếu hụt hormone tăng trưởng.
- Suy dinh dưỡng.
- Sụt cân nhanh chóng.
- Tiếp xúc với một số chất độc và hóa chất.
- Mắc hội chứng chuyển hóa như bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim, huyết áp cao, đường huyết cao.
Điều trị
Gan là một trong số ít cơ quan trong cơ thể có thể thay thế mô bị tổn thương bằng tế bào mới thay vì mô sẹo. Tuy nhiên, quá trình đảo ngược này chỉ hiệu quả nếu người bệnh tuân theo lối sống lành mạnh. Vì vậy, người bệnh tránh uống rượu và thực hiện các phương pháp lành mạnh để đạt được cân nặng khỏe mạnh. Các chuyên gia cho biết chỉ cần giảm từ 3% đến 5% trọng lượng cơ thể có thể giảm lượng mỡ trong gan.
Cả bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và không do rượu đều có thể dẫn đến xơ gan. Bác sĩ có thể điều trị các vấn đề sức khỏe do xơ gan gây ra bằng thuốc, phẫu thuật và các thủ thuật y tế khác. Nếu xơ gan dẫn đến suy gan, người bệnh có thể cần ghép gan.
Chăm sóc
Thực hiện một vài thay đổi lối sống có thể giúp ích:
- Tập thể dục nhiều hơn, khoảng ít nhất 30 phút mỗi ngày hầu hết các ngày trong tuần.
- Duy trì thói quen lành mạnh như ỏ rượu, chỉ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giảm cholesterol bằng cách ăn chế độ ăn thực vật lành mạnh, tập thể dục và dùng thuốc phù hợp để duy trì mức cholesterol và chất béo trung tính ở mức bình thường.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Kiểm tra lượng đường trong máu và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo (như xúc xích, thịt xông khói, bánh ngọt, chocolate…).
- Thay thế chất béo bão hòa (như bơ, thịt đỏ, phô mai) bằng chất béo không bão hòa (như dầu ô liu, cá hồi, bơ).
- Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
- Tránh thực phẩm và đồ uống có nhiều đường (như nước ngọt có đường, đồ uống thể thao, nước trái cây đóng chai, kem).