Gặp vị tướng từng chỉ huy cánh quân Cần Thơ bắt lính ngụy đầu hàng

Gặp vị tướng từng chỉ huy cánh quân Cần Thơ bắt lính ngụy đầu hàng

bởi

trong

Những cảm xúc này được Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) chia sẻ với phóng viên Dân trí, trong không khí cả nước mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dù đã bước qua tuổi 85, ông còn rất minh mẫn với phong thái hiên ngang của một vị tướng lĩnh tài ba.

Gặp vị tướng từng chỉ huy cánh quân Cần Thơ bắt lính ngụy đầu hàng

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Địch hoảng hốt khi phải đối đầu với lực lượng Tây Đô – Cần Thơ 

Theo lời kể của Thiếu tướng Sơn, Cần Thơ được xem là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn nên Mỹ ngụy đã bố trí nhiều lực lượng trấn thủ ở đây với 3 tuyến phòng thủ. 

Đúng 17h ngày 26/4/1975, chấp hành chỉ đạo của cấp trên, quân ta đã nổ súng bắt đầu tiến công ở Cần Thơ. Hai ngày sau, nhân viên cấp cao tòa lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ hoang mang rút chạy, trong đó có Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp – Tỉnh trưởng. Tuy nhiên, phía địch vẫn điều thêm lực lượng để cố thủ bảo vệ Cần Thơ.

11h30 ngày 30/4/1975, khi Tiểu đoàn Tây Đô I của ta tiến sát mé sông Cần Thơ, triển khai đội hình chiến đấu thì được tin Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng.

“Tôi nghĩ rằng phải hành động sao cho nhanh và tránh được đổ máu cho cán bộ, chiến sĩ mình”, Thiếu tướng Sơn nhớ lại.

Lúc này, lực lượng Sư đoàn 21 ngụy có thiết giáp án ngữ trên đường, phía ta quyết định dùng máy liên lạc để Thiếu tướng Lê Thanh Sơn trực tiếp nói chuyện với tên chỉ huy: “Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, giao chính quyền cho Mặt trận giải phóng miền Nam. Các ông phải ra lệnh cho binh sĩ không được nổ súng và lui ra hai đầu cầu cắm cờ trắng báo hiệu“.

Tên chỉ huy Sư đoàn 21 ngụy đồng ý nhưng khoảng một giờ sau mới thực hiện theo yêu cầu của ta.

Sau khi vượt qua sông sang lộ Vòng Cung và tiến thẳng vào Cần Thơ, đến 16h, cánh quân do Thiếu tướng Lê Thanh Sơn chỉ huy vào đến Đầu Sấu đã gặp một số thiết giáp địch ngăn chặn. Phía ta cho dùng loa gọi chúng đầu hàng.

Lực lượng ta tiếp tục tiến thẳng vào nội ô thành phố chiếm Dinh tỉnh trưởng, khu vực Nha cảnh sát, Sở chỉ huy Quân đoàn 4 để treo cờ quyết thắng.

Đến 17h, toàn bộ mục tiêu đã được ta làm chủ. Ông Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đã có mặt kịp thời tại Đài phát thanh và cho phát nội dung bản công bố ngắn: “Giờ phút này lực lượng vũ trang cách mạng đã hoàn toàn làm chủ thành phố Cần Thơ, các sĩ quan, binh lính cộng hòa hãy nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng quân giải phóng“.

Trời vừa tối, cánh quân của ta liên lạc được với ông Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ cùng toàn bộ cơ quan của tỉnh đang ở Vàm Xáng, đón vào thành phố vừa giải phóng.

“Cả một ngày trời chỉ huy đơn vị chiến đấu và chiếm lĩnh từng mục tiêu, cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi không cảm thấy mệt mỏi mà sức mạnh như được nhân lên gấp bội. Mừng vui không tả xiết, nước mắt ngày thắng lợi cứ chảy ra mỗi khi đồng đội gặp nhau. Một sự kiện lịch sử lớn lao của cả dân tộc và là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời của những người chiến sĩ cách mạng như tôi”, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn kể lại.

Thời bình xây nhà tặng đồng đội

Đêm 30/4/1975, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn cùng các đồng đội gần như không ngủ với bao nỗi niềm hạnh phúc sung sướng dâng trào, nhưng cũng bùi ngùi nhớ thương biết bao người đã ngã xuống, không còn được chứng kiến ngày toàn thắng.

Sau ngày giải phóng, năm 2001, Thiếu tướng Sơn nghỉ hưu và đã vận động các đồng đội cũ thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô.

Ban liên lạc chính thức đi vào hoạt động tháng 6/2002, với phương châm “nhắc nhau giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân và truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô ra đi là chiến thắng”.

Gặp vị tướng từng chỉ huy cánh quân Cần Thơ bắt lính ngụy đầu hàng - 2

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn và vợ là bà Trương Thị Hoa (Ảnh chụp từ hồi ký của ông Sơn).

Những năm qua, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn cùng các đồng đội cũ trong Ban liên lạc đã họp bàn, vận động xây dựng hơn 1.100 căn nhà trao tặng các đồng đội cũ còn gặp khó khăn về nhà ở.

30/4/1975 là một ngày lịch sử trọng đại không thể nào quên, theo chia sẻ của vị tướng.

“Để có được hòa bình như hôm nay là sự hy sinh rất lớn của các thế hệ cha anh, bao nhiêu người đã nằm xuống vì độc lập dân tộc. Tôi mong rằng các thế hệ tiếp sau luôn giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng ấy để tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước”, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn gửi gắm.