
Thị trường tiêu thụ thịt heo đang ở giai đoạn thấp điểm trong khi nguồn cung được bổ sung dồi dào hơn trước
ẢNH: ĐINH DANG
Giá heo hơi đang có sự điều chỉnh bất ngờ trên cả nước. Nếu cách đây khoảng 2 tuần giá heo hơi tại phía nam luôn dẫn đầu cả nước thì hiện nay đã liên tục giảm và nhường vị trí cao nhất cho thị trường phía bắc. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong mùa mưa cũng đang giảm xuống thấp, khiến đà giảm thị trường heo hơi vẫn chưa kết thúc.
Tại thị trường phía bắc, giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg tại Ninh Bình, xuống 67.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá phổ biến được ghi nhận ở nhiều địa phương khác như Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Lai Châu… TP.Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn là những địa phương duy trì giá heo hơi 68.000 đồng/kg, dẫn đầu cả nước.
Tại khu vực miền Trung, giá heo hơi hôm nay duy trì ổn định so với hôm qua, địa phương duy nhất ghi nhận giảm giá ở khu vực này là Quảng Trị, với mức thu mua sau điều chỉnh 65.000 đồng/kg. Các địa phương khác như như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai giữ giá từ 64.000 – 66.000 đồng/kg, trong đó Gia Lai tiếp tục ghi nhận mức thấp nhất cả nước với 64.000 đồng/kg.
Tại thị trường phía nam, giá heo hơi duy trì mức giao dịch phổ biến trong khoảng 67.000 – 68.000 đồng/kg. Trong đó Cà Mau và Đồng Nai đạt 68.000 đồng/kg, tương đương với đỉnh tại thị trường phía bắc. Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cũng đã điều chỉnh giá heo hơi niêm yết tương ứng với diễn biến của thị trường, hiện 67.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với tuần trước.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định, giá heo giảm do nhiều yếu tố kết hợp như nguồn cung tăng trở lại sau thời gian khan hiếm, nhu cầu tiêu thụ yếu đi, cạnh tranh từ thịt heo nhập khẩu, và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân sau dịch bệnh.
Thống kê từ Bộ NN-MT cho thấy, ngành chăn nuôi đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong 6 tháng đầu năm. Tổng đàn heo cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt gần 2,7 triệu tấn, tăng 5,9%. Một số địa phương trước sáp nhập có tốc độ tăng đàn ấn tượng như Gia Lai tăng 30%, Kon Tum tăng 20%, đặc biệt Tây Ninh tăng hơn 48% nhờ một loạt dự án chăn nuôi quy mô lớn đi vào hoạt động. Diễn biến này cho thấy ngành chăn nuôi đang dần hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.