Gia tộc cải lương bất ngờ xuất hiện danh hài

Gia tộc cải lương bất ngờ xuất hiện danh hài

bởi

trong

Nghệ sĩ đầu tiên của gia tộc Thanh Minh – Thanh Nga (sau đổi thành đoàn Thanh Nga) là ông Năm Nghĩa, một kép cải lương không chỉ nổi tiếng về diễn xuất mà còn có công cải biến bài Dạ cổ hoài lang từ nhịp 4 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu thành nhịp 8 lưu hành khắp Nam kỳ lục tỉnh, là cơ sở để sau này các nghệ sĩ khác phát triển thành nhịp 16, 32, 64 – hiện thân của bài vọng cổ cho tới bây giờ.

Gia tộc cải lương bất ngờ xuất hiện danh hài

NSƯT Bảo Quốc và NSND Lệ Thủy trong vở Sông dài

ẢNH: H.K

Bên cạnh ông là bà Nguyễn Thị Thơ, người vợ có khả năng quản lý xuất sắc, đã trở thành bà bầu Thơ gánh vác đoàn Thanh Nga cho tới hơi thở cuối cùng.

Thế hệ nối tiếp có những người con trở thành đào kép nổi tiếng, như NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc. Cũng phải kể thêm người con trai mất sớm là Hữu Thình, cùng vợ ông Thình là Thanh Lệ cũng theo nghề hát (hai người này là cha mẹ của NSƯT Hữu Châu). Đây là thế hệ rực rỡ của gia tộc Thanh Nga đóng góp cho nghệ thuật cải lương, bởi NSƯT Thanh Nga là cô đào tài sắc vẹn toàn, để lại dấu ấn đặc biệt nhất trong lòng khán giả và đồng nghiệp.

Thanh Nga nổi tiếng từ trước 1975, đoạt giải Thanh Tâm lúc mới 16 tuổi (1958, cũng là lần tổ chức đầu tiên của giải). Bà còn tham gia đóng rất nhiều phim điện ảnh, năm 1974 đoạt danh hiệu Nữ diễn viên chiếm nhiều cảm tình nhất, Nữ diễn viên thể hiện bi kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim châu Á lần thứ 20. Những vai diễn tuyệt vời của bà trên sân khấu cải lương như Hương (Nửa đời hương phấn), Dương Thái Chân (Chuyện tình An Lộc Sơn), Giáng Hương (Sân khấu về khuya), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Vân (Bóng tối và ánh sáng), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga)… gây ấn tượng sâu đậm với khán giả. Việc Thanh Nga ra đi khi tuổi đời và tuổi nghề đang độ chín nhất, 36 tuổi, là tổn thất lớn của sân khấu.

DANH HÀI BẤT ĐẮC DĨ

Gia tộc Thanh Nga có NSƯT Bảo Quốc từng đoạt giải Thanh Tâm năm 1968, là em ruột của Thanh Nga. Bảo Quốc cũng vào nghề rất sớm, được cha truyền dạy, uốn nắn kỹ lưỡng, và cũng mơ ước vị trí kép mùi trong gánh hát. Nhưng cuộc đời đã đưa đẩy ông bước sang lĩnh vực hài lúc nào không hay. Ban đầu ông chỉ đóng vai Chương Hầu trong vở Tiếng trống Mê Linh cho đủ nhân sự nhưng không ngờ ông quá duyên dáng, thế là các đạo diễn “bắt cóc” luôn, giao hàng loạt vai hài trong các vở khác. Ông diễn trong các vở dài thật giỏi, mà tung hoành trên sân khấu tấu hài, đại nhạc hội, phim ảnh cũng ngoạn mục không kém. Vai Chương Hầu (Tiếng trống Mê Linh), Tất Đạo (Bên cầu dệt lụa), Y xì ke (Bóng tối và ánh sáng), Bùi Kiệm (Kiều Nguyệt Nga), Hai Xiên (Bàn thờ tổ của một cô đào)… là những vai diễn khó ai qua nổi. Và suốt mấy chục năm, báo chí lẫn khán giả trân trọng gọi ông là “danh hài”.

Gia tộc cải lương bất ngờ xuất hiện danh hài- Ảnh 2.

Gia Bảo (phải) và Hồng Trang trong vở Lũ quỷ sống

ẢNH: H.K

Bây giờ, Bảo Quốc đã hơn 70 tuổi, định cư ở Mỹ từ hơn chục năm nay, nhưng vẫn tham gia biểu diễn đều đặn ở Mỹ lẫn VN. Ông giữ lửa cho gia tộc một cách bền bỉ và đa dạng trong lĩnh vực cải lương lẫn kịch nói và hài. Điều ông tâm niệm vẫn là: “Mỗi ngày khi diễn xong, về nhà, tôi vẫn tự kiểm lại xem mình có lỡ nói hoặc diễn điều gì không ổn, gây hiểu lầm trong khán giả, thì suất sau phải chỉnh sửa ngay. Đừng vì chạy theo tiếng cười mà làm hại nghệ thuật. Nghề hát thiêng liêng lắm, ông tổ cho mình phước báu nào thì mình ráng giữ cẩn thận”.

NỐI NGHIỆP LÀM BẦU

Cũng thật thú vị khi sự nghiệp “làm bầu” của bà bầu Thơ có đứa cháu nối dõi. Đó là Hữu Lộc (em trai Hữu Châu) thuộc thế hệ thứ ba, và Gia Bảo (cháu nội Bảo Quốc) thuộc thế hệ thứ tư.

Hữu Lộc từng quản lý đoàn kịch Nụ Cười Mới rất khả quan, chẳng may anh bị tai nạn mất sớm. Còn Gia Bảo thời học phổ thông đã tham gia đóng kịch, ai ngờ lớn lên lại “dũng cảm” đứng ra làm bầu show, kế thừa dòng máu của bà cố. Gia Bảo chuyên làm những show cải lương rất lớn, dựng tại tuồng xưa, tuồng kinh điển như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Lan và Điệp, Đời cô Lựu, Nửa đời hương phấn… Anh tâm sự: “Tôi thấy thế hệ nghệ sĩ cùng thời với ông nội tôi đã không còn bao nhiêu sức khỏe nữa nên tôi tranh thủ tổ chức chương trình để giữ lại những hình ảnh quý giá đó”. Có những nghệ sĩ như Thanh Sang, Thanh Kim Huệ đã ra đi vĩnh viễn sau khi vừa diễn lại những tuyệt tác ấy, khiến khán giả càng trân quý những vở được tái dựng đã kịp giữ lại những kỷ niệm với nghệ sĩ.

Có khi Gia Bảo cũng đầu tư làm kịch tham gia liên hoan sân khấu. Anh được xem là “mát tay” trong giới bầu show, chưa kể anh còn là một “cái tên bán vé” của một số sân khấu hài kịch. Bởi Gia Bảo có nét diễn khá ăn khách, thừa hưởng một chút của ông nội Bảo Quốc, đồng thời cũng có sáng tạo riêng của mình. (còn tiếp)