Giá vé máy bay hè leo thang sau mùa thi

Giá vé máy bay hè leo thang sau mùa thi

bởi

trong
Giá vé máy bay hè leo thang sau mùa thi

Nhu cầu khách đi lại bằng đường hàng không dịp hè tăng mạnh. Trong ảnh: hành khách tại sân bay Phú Quốc tháng 6-2025 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các hãng bay đua nhau tăng chuyến, khuyến mãi mạnh để hút khách, nhưng giá vé máy bay vẫn rất cao ở nhiều chặng hot.

“Mở web ra xem giá vé máy bay chóng mặt luôn!”

Giá vé nội địa dịp hè năm nay tăng rõ rệt so với đầu mùa, có chặng vọt ngang ngửa thậm chí nhỉnh hơn vé quốc tế. Chị Nguyễn Mỹ Hường (35 tuổi, phường Lái Thiêu, TP.HCM) kể đầu tháng 7-2025 cả nhà chọn Đà Nẵng làm điểm đến ưa thích nhờ biển xanh, ẩm thực phong phú, đặc biệt cho con đi cáp treo lên Bà Nà Hill.

Thế nhưng mở web xem giá của 4 hãng bay nội địa, chị tá hỏa khi vé khứ hồi gần 3,7 – 4 triệu đồng/người. Tiền vé máy bay 4 người gần 15 triệu đồng, cộng thêm khách sạn, ăn uống, tham quan ít nhất 35 – 40 triệu đồng. 

“Các con háo hức lắm nhưng thôi, tôi phải tính đi gần hơn hoặc đi tàu xe cho tiết kiệm” – chị Hường nói.

Khảo sát trên các nền tảng bán vé trực tuyến cho thấy từ đầu tháng 7 đến 15-8, trúng vào mùa cao điểm du lịch hè, giá vé nội địa đồng loạt tăng 5 – 10% so với tháng 6. Các tuyến “nóng” như TP.HCM – Hà Nội, Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – Đà Nẵng đều chứng kiến giá cao hơn thường lệ.

Cụ thể, chặng TP.HCM – Hà Nội hiếm khi dưới 1,7 triệu đồng/chiều của Vietjet, chưa thuế phí. Còn Vietnam Airlines 2,1 – 3,8 triệu đồng/chiều. Nhiều chặng đi biển như TP.HCM – Phú Quốc ghi nhận giá 2,5 – 4 triệu đồng/chiều, nghĩa là khứ hồi 5 – 8 triệu đồng/người nếu đặt trễ.

Mời bạn đánh giá các dịch vụ, trải nghiệm tại link này.

Điều nghịch lý là giá vé này đôi khi ngang hoặc cao hơn vé quốc tế ở chặng bay gần. 

Ví dụ TP.HCM – Bangkok chỉ từ 1,6 triệu đồng/chiều, khứ hồi khoảng 3 – 4 triệu đồng. Hà Nội – Bangkok phổ biến 3,2 – 5,7 triệu đồng khứ hồi. 

Vietjet thậm chí bán vé Hà Nội – Busan (Hàn Quốc) chỉ 4,8 triệu đồng/khứ hồi, cạnh tranh trực tiếp với đường bay nội địa từ Hà Nội – Phú Quốc.

Giá vé máy bay liên tục nhảy múa khiến nhiều gia đình tìm cách để săn vé máy bay, chọn các khung giờ bay sớm hoặc tối muộn giá thấp hơn. 

Chị Trần Mỹ Linh, công nhân may ở TP.HCM, chia sẻ nỗi lo hè nào cũng muốn đưa hai đứa con nhỏ về quê ở Quảng Nam (nay là Đà Nẵng). “Tôi phải canh vé nửa đêm, thấy rẻ hơn thì mua ngay nhưng toàn rơi vào khung giờ khuya” – chị Linh nói.

Vì sao giá vé nội địa tăng mạnh?

Theo các hãng hàng không, giá vé máy bay đặc thù về tính mùa vụ. Dịp hè, Tết… nhu cầu tăng đột biến nhưng năng lực khai thác tăng rất hạn chế. Một số chặng đông khách chỉ thêm được 1 – 2 chuyến/ngày. Khi cầu vượt cung thì giá tất yếu tăng. Đây là quy luật vận hành bình thường của ngành.

Ngoài yếu tố mùa vụ, chi phí đầu vào chiếm 70 – 80% giá vé cũng đóng vai trò lớn. Giá nhiên liệu Jet A1, chi phí thuê, bảo trì tàu bay đều bằng ngoại tệ. Biến động giá dầu và tỉ giá USD khiến chi phí của hãng bay đội lên, kéo giá vé khó giảm.

Để hạn chế biến động quá mức, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp điều tiết năng lực, phân bổ chuyến hợp lý để tránh áp lực dồn cục bộ vào các tuyến “nóng” như TP.HCM – Hà Nội, Hà Nội – Phú Quốc.

Dù giá vé tăng theo mùa vụ, các hãng hàng không cũng không ngồi yên. Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay nội địa dịp hè 2025 dự kiến là 68.558 chuyến, khoảng 745 chuyến/ngày, cung ứng gần 14 triệu ghế, tăng 21% về chuyến bay và 18% về ghế so với hè 2024.

Vietnam Airlines cho biết riêng mạng bay nội địa mùa cao điểm hè tăng mạnh 28%, đạt hơn 6,3 triệu ghế. Tổng cộng hãng dự kiến khai thác hơn 43.000 chuyến bay, gần 9 triệu ghế, tăng 14% so với năm ngoái. Các chặng bay như Hà Nội – TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Quy Nhơn được ưu tiên thêm tải.

Vietjet tăng hơn 600.000 ghế trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế. Ngoài phục vụ các chặng trong nước, hãng còn tăng tần suất bay đi Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong và các nước Đông Nam Á.

Hãng cho biết từ 7-7 sẽ triển khai chương trình giảm giá tới 77% cho hàng triệu vé tất cả các chặng trong và ngoài nước, áp dụng cho hành trình từ 11-8 đến 28-3-2026. Đây được coi là chiến lược kích cầu dài hạn, khuyến khích khách lên kế hoạch sớm với chi phí tiết kiệm hơn.

Lo máy bay chậm trễ chuyến hơn

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngoài giá vé máy bay tăng, hành khách lo ngại tình trạng chậm chuyến của các hãng bay trong dịp hè đang diễn ra căng thẳng. Nhiều người chọn hãng hàng không quốc gia để hạn chế tình trạng chậm chuyến, song thực tế vẫn diễn ra liên tục khiến khách hàng than phiền. Chưa kể các hãng bay khác như Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines thường xuyên bị delay vào các khung giờ cao điểm trong ngày.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác bay, sự cố hãng bay Boeing 787 với A321 va quẹt nhau của một hãng bay, khiến hai máy bay phải tạm dừng khai thác, sửa chữa. Một máy bay Boeing 787 có sức chứa chở khách bằng 2 máy bay A321.

Sự cố bất ngờ đã làm đảo lộn lịch bay của hãng, dẫn đến trường hợp chậm chuyến.

Giá quốc tế cũng “nhích nhẹ”

Trong khi vé nội địa nóng sốt, giá vé quốc tế gần vẫn khá cạnh tranh. Ví dụ TP.HCM – Bangkok hoặc Hà Nội – Singapore giữ mức 1,6 – 2,5 triệu đồng/chiều, gần bằng hoặc rẻ hơn nhiều chặng nội địa “hot”. Tuy nhiên, giá vé quốc tế xa đã bắt đầu “nhích nhẹ”.

Hà Nội – Seoul tăng khoảng 8% so với tháng 6, lên mức 4,5 – 6,1 triệu đồng/khứ hồi. Để tiết kiệm với giá vé hợp lý, theo đại diện các hãng bay, khách chủ động đặt trước 3 – 4 tuần, chọn bay giữa tuần hoặc giờ thấp điểm.

Giá vé máy bay hè "leo thang" sau mùa thi - Ảnh 2.Mở bán 9 triệu vé máy bay dịp cao điểm hè

Vietnam Airlines cho biết sẽ khai thác hơn 43.000 chuyến bay, tương đương gần 9 triệu ghế trong giai đoạn cao điểm hè từ 15-5 đến 15-8-2025, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.