
Họa sĩ Pháp An (Đào Nguyễn Duy Khang) và những bức vẽ Phật được nhiều người đặt – Ảnh: NVCC
Từ Kiên Giang lên TP.HCM học đại học rồi chọn nơi này để phát triển sự nghiệp, Duy Khang lập công ty riêng, khởi nghiệp bằng việc vẽ tranh Phật. Cuộc trò chuyện cùng họa sĩ 9X này lúc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 chuẩn bị diễn ra tại Việt Nam, anh nói:
– Chắc tôi có chút năng khiếu bẩm sinh khi chừng 3 tuổi đã bắt đầu tập vẽ. Ngộ cái ngay khi biết cầm bút cũng là lúc tôi bắt đầu vẽ hình Phật và thật sự thích vẽ Phật hơn bất cứ hình tượng nào khác. Tôi tin đó là cái duyên của đời mình.
Nhân duyên cuộc đời với hội họa Phật giáo

Họa sĩ Pháp An (Đào Nguyễn Duy Khang) và những bức vẽ Phật được nhiều người đặt – Ảnh: NVCC
* Bạn còn nhớ những bức vẽ hình Phật đầu đời của mình thế nào không?
– Tôi vẽ từ những nét đồ theo khuôn mẫu sẵn có. Lúc đó tôi gom hình Phật được in trên các bó nhang rồi lật mặt sau lại và đồ theo các nét vẽ. Tôi làm vậy cho đến khi tự vẽ được theo góc nhìn và cả trí tưởng tượng của bản thân.
Lúc thi và học trường kiến trúc, chuyện vẽ đa dạng, nhiều chủ đề hơn nên tôi có ít vẽ hình Phật lại. Tới khi đi làm thêm ở quán chay, tôi lại tiếp xúc với nhiều tranh Phật, ký ức tuổi thơ ùa về và niềm yêu thích vẽ tranh Phật một lần nữa trỗi dậy. Ý tưởng vẽ tranh Phật cũng hay đấy chứ nên năm 2017 tôi lập Công ty Pháp An để hiện thực suy nghĩ của mình.
* Nhưng tại sao lại là hội họa Phật giáo khi có nhiều lựa chọn khác?
– Từ nhỏ tôi đã thích những thứ thuộc về văn hóa Á Đông mà Phật giáo là một phần rất đặc trưng, tiêu biểu trong đó. Nhưng phải đến khi lên TP.HCM học kiến trúc, tôi mới có nhiều thời gian tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo. Tôi nhận ra mình hướng về sự tự do, có phần bay bổng và luôn muốn tìm kiếm sự an yên.
Trong túi lúc mới ra trường tôi chỉ có vỏn vẹn 10 triệu đồng là tiền dành dụm từ lương đi làm thêm. Thật lòng mà nói đôi khi nhìn lại, tôi cũng khó hình dung làm sao Pháp An có thể tồn tại, phát triển tám năm qua chỉ với 10 triệu đồng ban đầu như thế (cười).
Tranh Phật giáo thuần Việt

Một tác phẩm của Đào Nguyễn Duy Khang – Ảnh: NVCC
* Từ thực tế công việc, bạn cho rằng việc kinh doanh mảng văn hóa phẩm Phật giáo có tiềm năng không?
– Quan sát tôi thấy dường như mô hình kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo của chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào văn hóa phẩm Phật giáo từ nước ngoài. Nhiều tranh ảnh, tượng điêu khắc gọi chung là mỹ thuật Phật giáo còn nhập mà thiếu đi bản sắc văn hóa riêng trong nước.
Phật giáo đã du nhập vào nước ta khoảng 2.000 năm song tranh, tượng Phật giáo thuần túy của người Việt lại chưa nhiều. Phần lớn ở phía Bắc và cũng chỉ ở mảng tượng là chính chứ tranh cũng khá hiếm. Ngay khi bắt tay vào công việc vẽ hình Phật tôi đã luôn trăn trở về điều này.
Đó là lý do tôi nỗ lực Việt hóa các tranh Phật giáo theo cách của mình nhưng thẳng thắn mà nói vẫn chưa hài lòng với những điều đã làm. Một phần cũng bởi tư duy và thị hiếu của người Việt còn hướng về các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là văn hóa phẩm Phật giáo của Nhật Bản, Trung Quốc…
* Tranh Phật giáo thuần Việt trong góc nhìn cá nhân bạn sẽ thế nào?
– Khi bắt đầu vẽ bất kỳ bức tranh nào, điều tôi làm trước tiên là tìm hiểu vốn văn hóa cổ về đường nét hoa văn, cách vẽ bố cục. Có thể kể ra vài dẫn chứng như Việt Nam có hình ảnh rồng chầu lá đề hay rồng thời Lý với bố cục như hình trái tim khá đặc trưng và đẹp, hoàn toàn có thể ứng dụng vào bối quan phía sau tượng Phật.
Hay tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) có trang phục rất riêng có thể sử dụng vào tranh vẽ Phật của người Việt. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến hình tượng Quan Âm của Việt Nam vì nét rất riêng. Chẳng hạn như không có tấm vải trùm đầu mà thay bằng mũ quan, bệ tượng cũng khác hoàn toàn bệ tượng của những nơi khác nhưng tôi chưa thấy được ứng dụng nhiều trong tranh vẽ.
Cảm nhận cá nhân, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng hoa văn, họa tiết của những tượng Phật giáo thời kỳ trước vào tranh vẽ Phật. Cũng là cách đề cao và nhấn mạnh chất riêng trong văn hóa Phật giáo của Việt Nam. Nhưng điều này không đơn giản vì như đã nói, tư duy thị hiếu tác động rất nhiều vào công cuộc Việt hóa các sản phẩm tranh Phật giáo và cần thêm thời gian.

Duy Khang (ngồi) chia sẻ nguyên lý vẽ Phật với học viên – Ảnh: NVCC
Khởi nghiệp với 10 triệu đồng
* Chọn khởi nghiệp mà chỉ có 10 triệu đồng trong tay, bạn có thấy mình phiêu lưu quá không?
– Thời điểm đó tôi lui về ở với gia đình khoảng nửa năm để tiết kiệm chi phí. Số tiền ấy tôi dùng mua giấy, bút, màu và bắt đầu vẽ. Khởi đầu là sao chép những bức tranh sẵn có và may mắn là khi tôi đăng fanpage lập tức có người mua, lượng đặt hàng cũng dần tăng lên.
Khi có nguồn tranh nhất định, tay nghề khá hơn, tôi bắt đầu gọi vốn với các ý tưởng, kế hoạch xây dựng thương hiệu trên một trang kết nối các nhà đầu tư. Đã có người đồng ý đầu tư để tôi chuyên tâm lo vẽ thôi nhưng việc hợp tác này không dài do đôi bên nhận ra hướng đi không còn phù hợp.
Cũng có thể tạm gọi ấy là vấp ngã đầu tiên khi xây dựng thương hiệu Pháp An nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định. Nhờ đó giúp tôi nhận ra nếu chỉ vẽ tranh Phật là chưa đủ nên mở rộng thêm vẽ chân dung, thư pháp và chiêu mộ nhân viên. Cộng với dòng hàng in ấn nên Pháp An dần ổn định và phát triển đến nay.