Giải mã ‘canh bạc’ của Israel với Iran

Giải mã ‘canh bạc’ của Israel với Iran

bởi

trong

Israel bước sang ngày thứ 2 tấn công Iran, và ngược lại Tehran cũng phóng tên lửa để trả đũa quốc gia Do Thái.

Giải mã ‘canh bạc’ của Israel với Iran

Một địa điểm tại TP.Ramat Gan (Israel) bị trúng tên lửa Iran ngày 13.6

Ảnh: Reuters

Chảo lửa khó lường

Hôm qua 14.6, tờ The Times of Israel dẫn thông báo từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố hàng chục máy bay chiến đấu của không quân nước này đã thực hiện một loạt cuộc không kích vào khu vực thủ đô Tehran của Iran trong đêm 13.6 và rạng sáng 14.6.

Israel tiếp tục tấn công các hệ thống phòng không cùng nhiều cơ sở quân sự, hạt nhân Iran. Trong đó, không quân Israel đã phá hủy hàng chục bệ phóng tên lửa phòng không của đối phương. Việc tập trung đánh phá hệ thống phòng không của Iran cho phép Israel có thể tiếp tục tiến hành thêm nhiều chiến dịch tập kích bằng không quân nhằm vào Iran. Điều này củng cố thêm điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 13.6 tuyên bố cuộc chiến “sẽ tiếp tục trong nhiều ngày cần thiết để loại bỏ mối đe dọa (Iran – NV)”. Cũng vào hôm qua, ông Israel Katz, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, chỉ trích Tehran đã vượt qua “lằn ranh đỏ”. “Nếu Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei tiếp tục bắn tên lửa vào Israel, Tehran sẽ bị đốt cháy”, Bộ trưởng Katz tuyên bố.

Trong khi đó, sau khi bị tấn công, Iran được cho là đã phóng khoảng 4 đợt với hơn 200 tên lửa đạn đạo cùng khoảng 200 máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel khiến 2 người thiệt mạng và 19 người bị thương. Tiếng còi báo động đã vang khắp lãnh thổ Israel trong các đợt tấn công từ Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày xác nhận nước này đã giúp Israel đánh chặn các tên lửa từ Iran. Liên quan vấn đề này, truyền thông Iran dẫn thông báo từ chính quyền Tehran cảnh báo nếu các đồng minh của Tel Aviv giúp Israel đánh chặn tên lửa thì các căn cứ quân sự của các nước này trong khu vực sẽ bị tấn công.

Khi Iran phóng tên lửa tấn công Israel vào tháng 4.2024, Mỹ và các đồng minh đã triển khai mạng lưới dày đặc để đánh chặn tên lửa, hỗ trợ Tel Aviv. Mạng lưới này gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) và phòng thủ tên lửa tầm xa Patriot được triển khai ở Iraq, Kuwait, UAE, Qatar, Ả Rập Xê Út, Jordan và tại căn cứ bí mật mang mã 512 mà Mỹ đặt ở Israel. Các tàu chiến Mỹ ở khu vực, cùng chiến đấu cơ Mỹ đồn trú ở Kuwait, Jordan, UAE, Qatar và Ả Rập Xê Út cũng là một phần của mạng lưới. Chính vì thế, nếu Washington tiếp tục sử dụng mạng lưới này để đánh chặn tên lửa Iran và Tehran “nói là làm” thì có thể hàng loạt bên bị kéo vào vòng chiến, xung đột bùng nổ trên diện rộng.

Trả lời Thanh Niên, chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster cho rằng nếu Tehran thực sự tấn công cơ sở quân sự của Washington ở khu vực thì các căn cứ của Mỹ tại Iraq và Bahrain có thể là mục tiêu. Hay thậm chí, Iran có thể phong tỏa eo biển Hormuz. Nhưng nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể sẽ tấn công các cơ sở hải quân của Iran đóng tại TP.Bandar Abbas có vị trí chiến lược bên bờ eo biển Hormuz và các cơ sở dầu mỏ tại đảo Kharq của nước này. Như thế, cái giá mà Tehran gánh chịu cũng không hề nhỏ.

Trong khi đó, dù lên tiếng ủng hộ Israel, đồng thời thừa nhận biết trước kế hoạch tấn công của Tel Aviv, nhưng Tổng thống Trump dường như không muốn trở thành một bên tham chiến. Nội bộ chính giới Mỹ cũng đang phân hóa về vấn đề này.

Ý đồ của Israel

Về phía Israel, đợt tấn công vừa qua đã làm tổn thất nặng nề về cơ sở hạ tầng, nguồn lực quân sự, chương trình hạt nhân cũng như hàng loạt chỉ huy quân sự cấp cao của Iran. Tuy nhiên, chính quyền của Thủ tướng Netanyahu chưa có dấu hiệu dừng tay.

Nhiều nhà quan sát nhận xét có thể Tel Aviv đang hướng đến mục tiêu thay đổi chế độ ở Tehran. Bởi nhiều năm qua, sau nhiều lần tấn công cơ sở hạt nhân của Iran thì rõ ràng Tel Aviv vẫn không thể giải quyết hoàn toàn vấn đề này, điều mà họ xem là rủi ro sống còn với người Israel. Thủ tướng Netanyahu cũng úp mở việc giải quyết triệt để mối lo. Thực tế, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho Israel vì các lực lượng thân hữu của Iran như Houthi (ở Yemen), Hezbollah (Li Băng) và Hamas (Dải Gaza) đều đang bị suy yếu nghiêm trọng, và chế độ của ông Bashar al-Assad ở Syria cũng không còn. Lần này, các lực lượng vừa nêu cũng đã không “chia lửa” cùng Iran để tấn công Israel như các lần trước.

Thủ tướng Netanyahu dường như đang tìm cách thúc đẩy người dân Iran thay đổi chế độ bằng cách làm mất uy tín chính quyền đương nhiệm vì bị Israel tấn công gây thiệt hại nặng. Kích động các bất bình trong xã hội Iran, ông Netanyahu ngày 13.6 đã kêu gọi: “Đã đến lúc người dân Iran đoàn kết xung quanh lá cờ và di sản lịch sử của nó bằng cách đứng lên bảo vệ sự tự do của các bạn khỏi chế độ xấu xa và áp bức”. Trước đó, ông Reza Pahlavi, cựu thái tử – con trai của vua Iran Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ cuối thập niên 1970, cũng kêu gọi người dân Iran nắm bắt cơ hội, cắt đứt với giới lãnh đạo giáo sĩ.

Tuy nhiên, hầu hết người dân Iran theo nhánh Hồi giáo Shiite, và hệ tư tưởng Shiite có quan điểm thù hận Israel. Nên ngay cả khi chế độ hiện tại của Tehran có sụp đổ thì một chính thể mới cũng khó thân thiện với Tel Aviv. Đó là chưa kể nếu các cuộc tấn công của Israel gây thiệt hại nhiều nhân mạng cho người dân Iran thì mối hận thù giữa người Shiite với người Do Thái có thể sâu nặng hơn, người Iran lại ủng hộ giới giáo sĩ cầm quyền.

Ngược lại, nếu ý đồ này của Israel bất thành thì cơ hội đàm phán sẽ hoàn toàn đổ vỡ, Iran có thể quyết định đẩy nhanh việc sản xuất máy ly tâm, rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân… Như thế, mối nguy đeo đuổi Israel vẫn chưa thể kết thúc.

Iran: Đàm phán với Mỹ là “vô nghĩa”

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Esmaeil Baghaei, của Bộ Ngoại giao Iran, ngày 14.6 tuyên bố sau cuộc tấn công của Israel thì việc Iran đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran là “vô nghĩa”. Mặc dù vậy, Tehran chưa cho biết có tiếp tục tham gia cuộc đàm phán với Washington dự kiến diễn ra vào hôm nay (15.6) hay không.