Trong một bài đăng chia sẻ bức ảnh với nội dung trên, một tài khoản kèm chú thích: “Chuyện gì đang xảy ra. Không biết tọa độ ở đâu?”. Bài đăng này nhanh chóng nhận về hàng ngàn lượt tương tác.

Hình ảnh “2 mặt trăng cùng xuất hiện trên bầu trời” liên tục được mạng xã hội chia sẻ thời gian qua
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Bên dưới bài đăng, nhiều người tò mò về hiện tượng 2 mặt trăng xuất hiện cùng lúc trên bầu trời. Cũng có người cho rằng đó là “dị tượng”. Một bộ phận cư dân mạng vào phản bác, khẳng định điều này là không chính xác.
Tài khoản Thanh Lê bình luận: “Mấy ngày gần đây có rất nhiều hình ảnh 2 mặt trăng ở Việt Nam. Không biết hình này xuất hiện là ở đâu nhỉ?”. “Không thể có trường hợp này trong tự nhiên được”, một tài khoản khác khẳng định.
Một tài khoản có tên Đ.V tiếp tục chia sẻ bức ảnh mô tả: “Nhật nguyệt trùng phùng báo hiệu có động đất” để nói về việc mặt trăng và mặt trời cùng lúc xuất hiện cũng nhận được sự quan tâm của mọi người.
Trước đó không lâu, tài khoản N.Đ cũng chia sẻ một hình ảnh với dòng mô tả: “Đêm qua, người dân đã ghi lại một cảnh tượng chưa từng thấy: mặt trăng rực sáng cạnh một hành tinh đỏ bí ẩn xuất hiện giữa những đám mây đen. Hình ảnh lan truyền với tốc độ chóng mặt, nhiều người gọi đây là “dấu hiệu từ vũ trụ”. Bạn nghĩ đây là hiện tượng thiên văn kỳ lạ, một điềm báo siêu nhiên, hay chỉ là… một bức ảnh chỉnh sửa tài tình?”.

“Mặt trăng sáng rực cạnh một hành tinh đỏ bí ẩn”, bức ảnh và dòng mô tả của một tài khoản nhận về hơn 2.000 lượt tương tác
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Thực hư thế nào?
Quan sát những hình ảnh được chia sẻ, anh Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết thông tin 2 mặt trăng cùng xuất hiện trên bầu trời là không chính xác. Do đó, không có bất kỳ cơ sở nào để khẳng định “dị tượng”, “điềm báo” như nhiều tài khoản đăng tin.
Những bức ảnh được chia sẻ khả năng cao đã được qua chỉnh sửa, sau đó được thêm thắt nội dung gắn với những “hiện tượng lạ” để câu view, câu like. Một số hình ảnh được khẳng định 2 mặt trăng cùng xuất hiện trên bầu trời hay “nhật nguyệt trùng phùng” trên thực tế chỉ là hiện tượng lens flare.

Một tài khoản chia sẻ hình ảnh, khẳng định đây là hiện tượng “nhật nguyệt trùng phùng báo hiệu động đất”, tuy nhiên sự thật không phải vậy
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Lens flare là hiện tượng do một nguồn sáng chiếu thẳng vào thấu kính của máy ảnh hoặc điện thoại, còn được gọi là ánh sáng chói của thấu kính hoặc lóa sáng. Theo đó, hiện tượng này xảy ra khi ánh sáng bị phân tán một cách lệch lạc không theo quỹ đạo hay nguyên tắc gì khi đi qua ống kính, khiến hình ảnh thu được trên cảm biến kém rõ nét, mờ, thậm chí mất hẳn các chi tiết trên khung hình.
Do đó nếu quan sát ngoài đời thực, bạn sẽ không thể nhìn thấy 2 mặt trời hoặc 2 mặt trăng như vậy.
Trái đất từng có mặt trăng thứ 2?
Theo các nhà nghiên cứu, từng có một “mặt trăng mini” đã xoay quanh trái đất 29.9.2024 – 25.11.2024 trước khi dần dần thoát khỏi quỹ đạo, trong sự kiện thiên văn hiếm hoi. Đó là thiên thể có ký hiệu 2024 PT5, được xem là mặt trăng thứ 2 của trái đất chỉ có kích thước khoảng 10 m và rất khó quan sát từ trái đất, dù ở gần trái đất trong gần 2 tháng, theo tạp chí Time.