
Sách Giải mã hoóc môn Dopamine – Ảnh: NXB
GS Anna Lembke đưa ra nhận định trong sách Giải mã hoóc-môn Dopamine – Sống cân bằng trong thời đại đầy cám dỗ khi nói về mối quan hệ giữa lạc thú và nỗi đau.
Các nhà khoa học sử dụng dopamine (hoóc môn hạnh phúc) như một loại tiền tệ chung để đo khả năng gây nghiện của mọi trải nghiệm. Càng nhiều dopamine trên đường dẫn truyền củng cố của não, khả năng gây nghiện càng cao.
Dopamine cho ta những lạc thú và khi hiểu được tầm quan trọng của việc biết cân bằng lạc thú thì ta sẽ có một đời sống đúng nghĩa.
Vì sao yêu người toxic nhưng không dứt được?
Qua những câu chuyện có thật và cả chính tác giả – những người đã từng lỡ sa vào con đường “nghiện ngập” lạc thú, người đọc khám phá những điều khiến họ bất ngờ.
Đó là anh chàng David với chứng rối loạn lo âu và sợ thất bại, là Sophie trầm cảm và nghiện mạng xã hội, là Jacob nghiện tình dục đến mức chế tạo ra “cỗ máy thủ dâm”, hay là chính tác giả – khi ở tuổi U40 đã từng nghiện đọc những tiểu thuyết “ngôn tình không trong sáng” như: Chạng Vạng, 50 sắc thái…
Những kích thích cao độ dạng “ma tuý kỹ thuật số” như: mạng xã hội với thông tin giật gân; những video ngắn; game nhập vai; mua sắm, cờ bạc, tình dục… ngày càng nhiều nhan nhản khiến chúng ta luôn muốn nhiều hơn để cảm thấy vui và nếu va chạm tổn thương dù chỉ một chút cũng đủ khiến ta đau đớn.
Tác giả đã giải mã khoa học thần kinh của cơ chế khen thưởng để ta có thể hiểu và đạt đến trạng thái cân bằng tốt hơn, lành mạnh hơn giữa lạc thú và nỗi buồn.
Theo tác giả, Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh, được biết đến nhiều nhất với vai trò trong “hệ thống phần thưởng” của não bộ.
Khi chúng ta tìm kiếm phần thưởng một cách liên tục, não bộ có thể trở nên “quá tải” với dopamine, dẫn đến cảm giác bất mãn và khủng hoảng về mặt tinh thần.
Từ đó, Lembke khuyến nghị một chiến lược “kiêng dopamine” (dopamine fasting) để giúp khôi phục sự cân bằng cho não bộ.
Ví dụ, trong mối quan hệ tình yêu toxic (độc hại), não bộ có thể bị cuốn vào một chu kỳ thưởng – trừng phạt, khi có những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc xen lẫn với đau khổ.
Mỗi lần người kia tỏ ra tốt đẹp hoặc tạo cảm giác gần gũi, dopamine được giải phóng, khiến bạn cảm thấy “phụ thuộc” vào những khoảnh khắc hiếm hoi đó, ngay cả khi đa phần thời gian bạn bị tổn thương.
Anna Lembke cho rằng: “Bản thân sự thân mật cũng là một nguồn dopamine”.
Để thoát khỏi mối quan hệ tình yêu toxic (độc hại), ta cần nhận ra giá trị của bản thân, và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần. Hãy tập quen và thành thật với cảm giác khó chịu khi phải chống lại các hoạt động kích thích, từ đó giành quyền tự kiểm soát việc tiết dopamine quá đà.