Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 20.4, H.Triệu Phong (Quảng Trị) là địa phương đi đầu trong việc thay đổi phương án đặt tên xã từ số sang chữ từ đề xuất của người dân. Các xã được đổi tên từ Triệu Phong 1 đến Triệu Phong 5 sang xã Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ, Nam Cửa Việt.

Đua thuyền trên sông Thạch Hãn, đoạn qua H.Triệu Phong (Quảng Trị)
ẢNH: HOÀI AN
Theo đó, xã Triệu Phong 1 sẽ chỉ còn là xã Triệu Phong, sáp nhập từ xã Triệu Thành, xã Triệu Thượng và TT.Ái Tử. Tên Triệu Phong gắn liền với tên huyện Triệu Phong lâu đời, khi được chọn sẽ giúp giữ gìn bản sắc địa phương và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Xã Triệu Phong 2 sẽ thành xã Ái Tử. Đây là xã nhập toàn bộ diện tích và dân cư của xã Triệu Ái, xã Triệu Giang và xã Triệu Long. Theo ông Nguyễn Hoàn, nguyên Phó giám đốc Sở TT-TT Quảng Trị (cũ), người dành nhiều thời gian nghiên cứu về chúa Nguyễn Hoàng, tên gọi Ái Tử được hình thành từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào cuối thế kỷ XVI.
Khi Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558), ông đã chọn vùng đất Ái Tử để lập dinh trấn. Dinh Ái Tử là thủ phủ đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong (từ năm 1558 đến năm 1570) trước khi dời vào Trà Bát.

Khu vực nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nay thuộc xã Triệu Thành, sau sáp nhập sẽ thuộc xã Triệu Phong
ẢNH: HOÀI AN
Xã Triệu Bình là tên mới của xã Triệu Phong 3, vốn được nhập từ các xã Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Hòa và Triệu Đại. Theo một lãnh đạo UBND H.Triệu Phong, trong lịch sử, xã Triệu Bình được hợp nhất từ xã Phong Đăng và Phong Dạ (trừ thôn An Lợi và Xuân Thành).

Một góc chùa Sắc Tứ, ngôi chùa cổ kính ở TT.Ái Tử hiện nay, sau này thuộc xã Triệu Phong
ẢNH: HOÀI AN
Trong khi đó, xã Triệu Phong 4 sẽ có tên gọi mới là xã Triệu Cơ, nhập từ các xã Triệu Cơ, Triệu Trung và Triệu Tài. Ngày 17.8.1950, Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4 ra nghị quyết hợp nhất 14 xã của H.Triệu Phong thành 10 xã lớn, trong đó 18 thôn thuộc 4 xã nhập lại lấy tên xã Triệu Cơ.

Cánh đồng vàng ở xã Triệu Cơ hiện nay
ẢNH: HOÀI AN
Xã Nam Cửa Việt sẽ thay thế cho tên xã Triệu Phong 5. Xã này nhập toàn bộ diện tích và dân số của các xã Triệu Trạch, Triệu Phước và Triệu Tân thành đơn vị hành chính mới. Vào thời chúa Nguyễn Hoàng, nơi này được đặt tên Cửa Việt với ý nghĩa khẳng định cửa biển của người Việt, cửa của nước Đại Việt. Trong quá trình phát triển, Cửa Việt gắn liền với lịch sử và những chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Việc điều chỉnh các tên gọi mới bằng những tên gọi có từ xưa ở Quảng Trị được dư luận và nhân dân đánh giá rất cao. Bình luận về việc này, ông Hoàn cho rằng điều này phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa; phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập…