Giảm 130.000 biên chế sau sáp nhập tỉnh, tiết kiệm 38.100 tỉ mỗi năm

Giảm 130.000 biên chế sau sáp nhập tỉnh, tiết kiệm 38.100 tỉ mỗi năm

bởi

trong

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu làm tốt công tác bố trí cán bộ tương xứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Đây là yêu cầu vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Giảm 130.000 biên chế sau sáp nhập tỉnh, tiết kiệm 38.100 tỉ mỗi năm

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

ẢNH: TTXVN

Theo Tổng Bí thư, phải có tầm nhìn xa trong công tác cán bộ, đảm bảo sự kế thừa, tiếp bước vững vàng giữa các thế hệ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và cán bộ cấp cơ sở có tư duy năng lực quản trị tiên tiến, phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống chính quyền mới và yêu cầu phát triển bứt phá của đất nước. 

Nhân sự lãnh đạo các cấp trong giai đoạn mới phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Ban Tổ chức Trung ương tham mưu triển khai hoạt động có hiệu quả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo mô hình mới, bảo đảm vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Tổng Bí thư lưu ý, đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, cần phải tập trung cao nhất, bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng các khâu thể chế pháp luật, bố trí cán bộ, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế vận hành khi bộ máy mới phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Không bố trí giữ chức vụ cao hơn với cán bộ không đủ tiêu chuẩn

Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư yêu cầu, Ban Tổ chức Trung ương phải tập trung cao độ vai trò tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị; đổi mới mạnh mẽ hoạt động của các ban, cơ quan của Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tham mưu chiến lược cho Trung ương. 

Theo đó, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Tổng Bí thư chỉ rõ, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý để triển khai thực hiện sáp nhập các đơn vị cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Cùng đó, sắp xếp lại các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc các cấp. Triển khai tổ chức lại các cơ quan ngành dọc và các tổ chức đảng đồng bộ với hệ thống chính trị theo mô hình tổ chức mới. 

Giảm 130.000 biên chế sau sáp nhập tỉnh, tiết kiệm 38.100 tỉ mỗi năm- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô lâm yêu cầu không bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có vi phạm giữ chức vụ cao hơn

ẢNH: TTXVN

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; xác định biên chế, hoàn thiện vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô, địa bàn, lĩnh vực hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức làm cơ sở giao, quản lý, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2026 – 2031.

Tổng Bí thư yêu cầu, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới thực hiện theo đúng các nội dung đã hướng dẫn, chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất và năng lực, uy tín, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. 

Không phân công, bố trí giữ chức vụ cao hơn, quan trọng hơn đối với cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền.

Kết thúc hoạt động 120.500 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang đã tóm tắt tình hình, kết quả công tác của Ban Tổ chức Trung ương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. 

Ông Quang cho hay, với cách làm mới, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu có chất lượng các nội dung về mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ với kế hoạch triển khai bài bản. Đến nay, mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã cơ bản hoàn thiện. 

Theo ông Quang, dự kiến sau sắp xếp, cấp tỉnh giảm khoảng 18.449 biên chế; cấp xã giảm khoảng 110.786 biên chế; kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước. 

Theo đó, trong giai đoạn 2026 – 2030, dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước khoảng 190.500 tỉ đồng, bình quân giảm khoảng 38.100 tỉ đồng/năm, chưa kể các chi phí khác.

Ban Tổ chức Trung ương chủ động tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng bảo đảm đồng bộ, toàn diện cả về nội dung, nhân sự và công tác tổ chức, phục vụ đại hội; kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, góp phần bảo đảm công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phù hợp với bối cảnh mới, yêu cầu mới, không bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. 

Cùng đó, kịp thời tham mưu nhiều vấn đề đặc biệt hệ trọng, chưa có tiền lệ về lãnh đạo cấp cao của Đảng bảo đảm chặt chẽ, bài bản, thận trọng, chắc chắn, đúng quy trình, quy định, đúng người, đúng việc, “làm đến đâu, chắc đến đó”.