Tại kỳ họp thứ 31, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, ngày 9-10/7, nhiều ý kiến của cử tri về giá đất, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai đã được đại biểu nêu ra.
Thủ tục rườm rà, luật đọc khó hiểu
Theo ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), thực tế thủ tục hành chính về đất đai còn rườm rà, phức tạp, tuy nhiên các thủ tục này không phải do tỉnh ban hành.
Thực hiện chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, ngành NN&MT đã triển khai rất quyết liệt, thường xuyên rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, Sở NN&MT tiếp nhận, giải quyết hơn 7.000 bộ hồ sơ, trong đó 80% hồ sơ đất đai đã được giải quyết trực tuyến.

Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc Sở NN&MT Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).
Giám đốc Sở NN&MT Nghệ An tiếp thu phản ánh của đại biểu và cử tri. Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, Sở NN&MT sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&MT nghiên cứu, xem xét sửa đổi luật đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành.
“Rất chia sẻ với đại biểu, với cử tri và nhân dân là Luật Đất đai đọc rất khó hiểu, bản chất anh em trong ngành đọc cũng rất khó hiểu chứ chưa nói đến người dân. Chúng tôi xác định trách nhiệm của mình trong hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai”, ông Việt nói.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp, người đứng đầu ngành NN&MT Nghệ An đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo ông Việt, Nghị định số 151 của Chính phủ, nhiều thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai đã được phân cấp cho cấp xã. Sở NN&MT sẽ triển khai tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực trong toàn tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đơn vị cũng thành lập các tổ công tác, bám sát, hướng dẫn cán bộ cấp xã trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Hiện tỉ lệ hồ sơ đất đai được giải quyết trực tuyến đã đạt 80%, trong thời gian tới, ngành NN&MT sẽ phấn đấu nâng cao hơn nữa tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến.
Vì sao giá đất tăng cao?
Từ ngày 21/5, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu vực giá đất tăng gấp 10 lần so với trước đó. Điều này dẫn tới nhiều hộ dân khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở được thông báo số tiền nộp vào ngân sách nhà nước lên tới hàng tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở NN&MT Nghệ An, trước ngày 21/5, giá đất trên địa bàn được xây dựng trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013.
Luật Đất đai năm 2024 quy định điều chỉnh nhiều hơn với 11 nội dung; trong đó có những nội dung nếu áp dụng theo bảng giá đất ban hành năm 2019 sẽ bất cập, không thể triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Người dân gặp khó khi chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất vườn sang đất ở khi giá đất tăng cao (Ảnh: Hoàng Lam).
Các dự án trên địa bàn tỉnh cần có bảng giá đất mới để giao đất tái định cư, giao đất không thu tiền sử dụng đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, áp dụng để giao đất một lần… vì vậy, yêu cầu phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Theo ông Hoàng Quốc Việt, để hạn chế tối đa tác động từ việc điều chỉnh bảng giá đất mới đối với người dân và doanh nghiệp, ngành đã tính toán rất kỹ, tiền thuê đất của các doanh nghiệp đảm bảo mức tăng cao nhất 10-20%.
Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh tỷ lệ đất thương mại, dịch vụ từ 55% về 20%; điều chỉnh đất cơ sở sản xuất, kinh doanh thu từ 50% về 20%; đất khoáng sản từ 100% về 40%.
Giám đốc Sở NN&MT cũng chỉ rõ, người dân thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất bị tác động nhiều nhất, bởi vừa ảnh hưởng của bảng giá đất điều chỉnh mới vừa ảnh hưởng từ nghị định của Chính phủ.
Theo Nghị định 45 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2013, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao sanh đất ở, người dân nộp 50% tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, Nghị định 103 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, người dân phải nộp 100% tiền sử dụng đất khi chuyển đổi.
Tỉnh Nghệ An cùng với một số địa phương trong cả nước đã đề xuất Chính phủ sửa đổi nội dung này. Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 103) đã đưa vào dự thảo điều chỉnh sửa quy định chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao gắn liền với thửa đất ở về 50% như trước đây.