
Đầu tiên, so với mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) hiện hành 11 triệu đồng/tháng thì mức mới 15,5 triệu đồng thực chất chỉ giúp người nộp thuế hưởng lợi hơn khoảng hơn 200.000 đồng/tháng. Có thể nói đây là con số hết sức khiêm tốn, nhất là so với mặt bằng giá đã tăng mạnh suốt 5 năm qua, tính từ lần mức GTGC được điều chỉnh gần nhất.
Thứ hai là lạc hậu so với mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Nếu mức GTGC từ năm 2020 tới nay không đổi thì lương cơ sở đã được nâng 30% và áp dụng từ 1.7.2024. Lương tăng, thuế đứng yên khiến khoản nộp thuế của người làm công ăn lương nhiều hơn. Niềm vui mỗi lần tăng lương vì thế chưa trọn vẹn. Mức GTGC 15,5 triệu đồng cũng lạc hậu so với đề xuất dựa trên các phân tích có cơ sở thực tiễn của nhiều bộ, ngành cũng như chuyên gia thuế là 18 – 20 triệu đồng/tháng. Chưa kể, dự thảo luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo lộ trình sẽ được ban hành và áp dụng vào năm 2026, từ nay tới đó, tiền lương, giá tiêu dùng, hàng hóa thiết yếu… chắc chắn lại tăng thêm một bậc nữa, cũng đồng nghĩa mức GTGC lại lạc hậu thêm một bậc.
Quan trọng hơn, nâng mức GTGC phải đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đời sống của người nộp thuế. Bộ Tài chính trong tờ trình cũng khẳng định việc áp dụng thuế TNCN góp phần bảo đảm tính hợp lý, công bằng, hiệu quả của chính sách thuế… Mà hợp lý, công bằng thì đầu tiên phải bảo đảm cho các nhu cầu thiết yếu của người nộp thuế cũng như người phụ thuộc. Vậy thì mức 6,2 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc có đủ nuôi một đứa trẻ ăn, ở, học hành, khám chữa bệnh, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM ? Tương tự với người nộp thuế cũng có rất nhiều khoản chi thiết yếu như khoản vay mua nhà trả góp, chi phí phương tiện, bên cạnh các chi phí cơ bản ăn, ở, mặc, y tế, chưa nói đến du lịch, giải trí cũng được coi là nhu cầu thiết yếu khi kinh tế đất nước ngày càng phát triển. Như vậy, 15,5 triệu đồng/tháng làm sao đủ cho họ trang trải cuộc sống?
Đặt để trong bối cảnh đó, mức GTGC mà Bộ Tài chính đề xuất như trên nếu nói là hợp lý thì chỉ hợp lý cho quãng thời gian đã qua, còn ban hành để áp dụng cho thời gian tới thì chắc chắn sẽ lỗi thời. Cũng cần nhắc lại, đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc nhằm giảm gánh nặng cho người nộp thuế sau 17 năm áp dụng luật Thuế TNCN. Vì thế, mức GTGC, bậc thuế, thuế TNCN áp dụng với bất động sản, chứng khoán, hộ kinh doanh, thu nhập vãng lai… cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, sát với thực tiễn. Đặc biệt, lần cải cách này cần sự tiếp cận mới, đó là cho khấu trừ các chi phí thiết yếu gắn liền với chất lượng sống của người dân như học hành, y tế, bảo hiểm, lãi vay; thậm chí nên tính tới các yếu tố “gia cảnh” như phụ nữ mang thai, người già bệnh nặng… đúng như tên gọi của nó.
Đó là những điều mà người làm công ăn lương nói riêng và người nộp thuế nói chung kỳ vọng vào việc chỉnh sửa luật Thuế TNCN lần này sau bao năm chờ đợi.