Giảm trừ gia cảnh theo mức chi tiêu thực tế, tại sao không?

Giảm trừ gia cảnh theo mức chi tiêu thực tế, tại sao không?

bởi

trong
Giảm trừ gia cảnh theo mức chi tiêu thực tế, tại sao không?

Người dân mua sắm tại một trung tâm thương mại TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo đó, người làm công ăn lương có thể được trừ chi phí hợp lý theo sinh hoạt thực tế thay vì áp dụng cứng nhắc một mức giảm trừ như hiện nay.

Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Đến lượt giảm trừ gia cảnh cũng phải đổi mới

Tại nghị quyết số 191 ngày 26-6, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) dựa trên việc đánh giá các tiêu chí và yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nộp thuế trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền. 

Đây là yêu cầu rất mới xuất phát từ thực tế là thời gian qua nhiều người nộp thuế cho rằng mức GTGC hiện nay quá lạc hậu, không theo kịp thực tế đời sống, khiến cho người làm công ăn lương ở các TP lớn phải “thắt lưng buộc bụng”. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc hiện tại cũng không đủ để nuôi con đi học trường công.

Chị Kim Loan (Gò Vấp, TP.HCM) cho hay chị có hai con nhỏ đang học cấp 1 và cấp 2 tại trường công, hệ tích hợp, chi phí hàng tháng đóng cho trường học của hai con trung bình 10 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền bán trú và tiền học hệ tích hợp. Đó là chưa kể tiền học thêm môn toán, tiếng Anh ở trung tâm khoảng 5 triệu đồng/tháng cho cả hai con.

“Như vậy sơ sơ hằng tháng chỉ tiền học đã ngốn mất 15 triệu đồng, chưa kể tiền đồng phục, sách vở… đầu năm, tiền ăn uống và hàng loạt khoản chi khác nhưng hàng tháng tôi chỉ được giảm trừ gia cảnh 8,8 triệu đồng/tháng cho hai con. Như vậy là quá bất hợp lý. 

Tôi đề nghị ở lần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) này ngành thuế nên nghiên cứu để đưa ra chính sách hợp lý, cho người làm công ăn lương được trừ các chi phí hợp lý hợp lệ phục vụ cho đời sống thay vì neo một mức cố định như hiện nay bất kể người nộp thuế sống ở vùng miền, TP nào”, chị Loan đề xuất.

Trong khi đó chị Minh Tú (Q.7, TP.HCM) cho rằng trong bối cảnh hiện nay người làm công ăn lương ở các TP lớn gánh rất nhiều chi phí – ngoài tiền sinh hoạt phí và nuôi con hằng tháng, nhiều người còn phải trả tiền lãi vay mua nhà…, số lãi khá lớn nhưng khoản này không được tính giảm trừ. “Như vậy là không hợp lý vì sau này nếu bán nhà đi tôi cũng phải đóng thuế 2% trên giá chuyển nhượng”, chị Tú nói.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng thời gian qua số thu từ người làm công ăn lương chiếm tỉ trọng rất lớn trong số thu chung của thuế TNCN. Tuy nhiên những nhóm khác như thương mại điện tử, buôn bán online… thì chưa. 

Do vậy cơ quan thuế cũng nên có chính sách khuyến khích người làm công ăn lương thông qua việc cho trừ các chi phí hợp lý như tiền lãi vay ngân hàng mua căn nhà đầu tiên, mua phương tiện đi lại, khám chữa bệnh, học tập…

“Đây là khoản giảm trừ chính đáng giúp người làm công ăn lương nhẹ gánh lo trong cuộc sống và có ý nghĩa trong an sinh xã hội. Đồng thời cần khai thác thêm nguồn thu từ những mảng mà thời gian qua còn thất thu để bù đắp”, ông Nghĩa kiến nghị.

Nên giảm trừ tất cả chi phí hợp lý phục vụ cho cuộc sống của người lao động theo hóa đơn

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn nói ông ủng hộ đề xuất nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC dựa trên việc đánh giá các tiêu chí và yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người nộp thuế trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, có xét đến sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền. Đó cũng là điều mà người nộp thuế đã nhiều lần kiến nghị.

Ngoài ra từ 1-6 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề theo quy định đã phải áp dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. 

Theo lộ trình từ năm 2026 sẽ xóa bỏ khoán thuế với hộ kinh doanh. Song song đó, doanh nghiệp có hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản mới được đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ (thay cho mức 20 triệu đồng hiện nay).

Như vậy toàn bộ doanh thu của các hộ khoán, doanh nghiệp phải được minh bạch hóa, bán hàng phải có hóa đơn chứng từ. Đây là điều kiện chín muồi để áp dụng việc giảm trừ theo thực tế sinh hoạt của người dân.

Theo ông Sơn, cơ quan thuế nên chấp nhận cho giảm trừ tất cả chi phí hợp lý phục vụ cho cuộc sống của người lao động theo hóa đơn – gồm cả chi phí sinh hoạt, học tập nâng cao trình độ và cả chi phí lãi vay.

Trước đây khi xây dựng Luật Thuế TNCN từ những năm 2007 – 2008 đã có ý kiến đề xuất như vậy, nhưng ở thời điểm đó xã hội chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt và người mua cũng không có nhu cầu lấy hóa đơn, cũng không có quy định hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, do vậy không thể áp dụng theo cách này; khi đó cơ quan thuế đã đề xuất một mức khoán GTGC như cách đang áp dụng hiện nay.

Sau 17 năm áp dụng, cách GTGC hiện tại đã bộc lộ nhiều bất cập và không theo kịp thực tế đời sống của người lao động do vậy người nộp thuế và chuyên gia đã kiến nghị rất nhiều. 

“Ở điều kiện hiện tại, theo tôi, cơ quan thuế cần mạnh dạn áp dụng cách làm mới vì khi áp dụng giảm trừ theo thực tế thì sẽ tự động phân biệt được vùng miền. Ở các TP lớn, chi phí sinh hoạt đương nhiên sẽ cao hơn, vì vậy mức giảm trừ cũng sẽ cao hơn”, ông Sơn nêu ý kiến.

Cũng theo ông Sơn, với cách giảm trừ này, cơ quan thuế được nhiều hơn mất vì áp dụng giảm trừ theo thực tế sinh hoạt cũng kích thích tiêu dùng phát triển, tăng lưu thông hàng hóa, giải phóng hàng tồn, qua đó Nhà nước thu lại từ thuế TNDN và thuế GTGT. Do vậy cũng không nên quá lo sẽ bị hụt thu ngân sách vì cơ quan thuế có thể khai thác nguồn thu từ các lĩnh vực khác, nhất là mảng thương mại điện tử, kinh doanh online…

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn Thuế Trọng Tín, đề xuất xây dựng mức GTGC tiệm cận thực tế hiện nay để khi CPI chỉ cần nhích lên 5 – 10% là điều chỉnh kịp thời thay vì phải đợi tăng đủ 20% như hiện nay.

Thu nhập, chi tiêu vùng miền đang chênh lệch ra sao?

Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Đến lượt giảm trừ gia cảnh cũng phải đổi mới - Ảnh 2.

Chi phí cuộc sống hiện nay có sự chênh lệch vùng miền đáng kể – Ảnh: MẠNH DŨNG

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2024, được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tiến hành trên phạm vi cả nước, ghi nhận từ 46.995 hộ đại diện tại 6 vùng kinh tế – xã hội, cho thấy năm 2024 thu nhập bình quân của người dân tiếp tục được cải thiện và tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Chi tiêu của người dân cũng tăng trở lại, đặc biệt ở khu vực thành thị, sau khi giảm do dịch COVID-19.

Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân cao nhất với gần 7,1 triệu đồng/tháng – gấp gần 1,9 lần so với vùng thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc (gần 3,8 triệu đồng/tháng).

Các vùng còn lại có thu nhập bình quân đầu người/tháng như sau: Đồng bằng sông Hồng đạt 6,558 triệu đồng/tháng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 4,648 triệu đồng/tháng, Tây Nguyên đạt 3,882 triệu đồng/tháng, Đồng bằng sông Cửu Long 4,753 triệu đồng/tháng.

Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, với thu nhập bình quân đầu người hàng tháng năm 2024 thì chỉ 20% nhóm dân cư có thu nhập cao nhất cả nước, đạt thu nhập khoảng 11,812 triệu đồng/tháng, mới thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân.

Tại Hà Nội, 20% dân số thuộc nhóm dân cư thu nhập cao nhất có thu nhập bình quân đầu người đạt 13,543 triệu đồng/tháng, TP.HCM đạt 14,510 triệu đồng/tháng, Đà Nẵng 14,830 triệu đồng/tháng…

Tuy nhiên khảo sát cũng cho thấy tổng chi tiêu bình quân đầu người/tháng đạt gần 3 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022, trong đó khu vực thành thị gần 3,8 triệu đồng – tăng 15,4%, thể hiện chêch lệch áp lực chi phí cuộc sống theo vùng miền và đô thị – nông thôn là rất rõ rệt.