Giao dịch nhà đất thổ cư Hà Nội lao dốc sau thời giá tăng nóng bỏng tay

Giao dịch nhà đất thổ cư Hà Nội lao dốc sau thời giá tăng nóng bỏng tay

bởi

trong

Theo một báo cáo, quý I, toàn thị trường Hà Nội ghi nhận khoảng 18.300 giao dịch, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc đất thổ cư với mức giao dịch sụt giảm mạnh.

Ngay cả những khu vực từng sôi động như Đống Đa, Hoàng Mai, Gia Lâm, Long Biên cũng không nằm ngoài xu hướng. Đáng chú ý, quận Đống Đa ghi nhận lượng giao dịch tháng 3 giảm tới 70% so với tháng trước.

Tại Hoàng Mai, giao dịch trong tháng 3 giảm 26% so với tháng 2, và 40% so với cùng kỳ 2024. Khu vực Gia Lâm, Hà Đông cũng ghi nhận mức giảm giao dịch lần lượt là 57% và 52% trong tháng 3. Long Biên cũng ghi nhận bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt.

Điều đáng nói là mặt bằng giá đất thổ cư vẫn chưa hạ nhiệt, phổ biến ở mức 4-5 tỷ đồng/căn, vượt xa khả năng của người mua ở thực và kém hấp dẫn với giới đầu tư tìm kiếm lợi suất ngắn hạn.

Phần lớn chủ nhà vẫn mang tâm lý “giữ hàng, chờ thời”, dẫn đến hiện tượng “cắt lỗ” chưa xuất hiện trên diện rộng. Thị trường đang rơi vào thế giằng co, khi người bán không muốn giảm, người mua không mặn mà xuống tiền.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khác khiến giao dịch đất thổ cư tại Hà Nội sụt giảm là sự dịch chuyển dòng vốn từ giới đầu tư.

Giao dịch nhà đất thổ cư Hà Nội lao dốc sau thời giá tăng nóng bỏng tay

Một điểm tư vấn bất động sản tại Hà Nội (Ảnh: Dương Tâm).

Thay vì tiếp tục rót vốn vào thị trường nội đô với mức giá cao và thanh khoản thấp, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng sang các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh… để đón đầu thông tin về quy hoạch và sáp nhập hành chính.

Ông Đinh Minh Tuấn – chuyên gia bất động sản – cho biết, giá rao bán bất động sản bình quân tại Hà Nội đã tăng đáng kể ở hầu hết phân khúc. Sự điều chỉnh về giá bán dẫn đến lượng giao dịch cũng bắt đầu sụt giảm và xu hướng này có thể tiếp tục diễn biến đi ngang trong cả năm nay.

Lý giải cho tỷ lệ hấp thụ bắt đầu sụt giảm, ông Tuấn cho biết thêm, mức giá tăng mạnh trong suốt 2 năm dẫn đến vượt khả năng chi trả của những người mua ở thực, thậm chí các nhà đầu tư cũng bắt đầu thận trọng hơn. Bên cạnh đó, sau giai đoạn tăng “nóng”, tâm lý chờ đợi điều chỉnh từ người mua cũng một phần lớn ảnh hưởng tới giao dịch giai đoạn này, người mua nhà ở thật thì chưa có sản phẩm phù hợp, nhà đầu tư thì ra hàng và chờ đợi.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) – cũng cho rằng, thời gian qua tất cả phân khúc bất động sản Hà Nội đều tăng giá mạnh, trong đó có nhà đất thổ cư. 

Ông cho rằng, lịch sử cho thấy giống như phân khúc căn hộ, giá nhà đất thổ cư Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng tăng giá mạnh tương tự vào cuối năm 2021. Đến giữa năm 2022, khi thị trường khó khăn, giá loại hình này có giảm nhưng không “thấm” gì so với mức tăng.

Ông khuyên, hiện giá nhà tại Hà Nội đã đạt đỉnh, nếu muốn mua thì người mua cần cân nhắc rất kỹ. Để tránh lạc vào “ma trận” giá bán tại Hà Nội hiện nay, vị chuyên gia khuyên người mua nên chọn đơn vị uy tín để tham khảo. Đồng thời, người mua nên bỏ thời gian để nghiên cứu kỹ mức giá bán của các căn nhà tương tự trong cùng một khu vực.

Ông Nguyễn Anh Quê – chuyên gia bất động sản – cho rằng, từ đầu tháng 3 đến nay, thông tin về việc sáp nhập tỉnh thành khiến các nhà đầu tư tìm về những nơi được dự đoán trở thành trung tâm hành chính để mua bán. Tuy nhiên, giá những khu vực này cũng được đẩy lên rất nhanh, trong khi đó hạ tầng không có sự thay đổi đột biến, không có giao dịch nhu cầu thực mà chỉ mang tính đầu cơ.

“Các nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ chưa vội xuống tiền mua. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang nghe ngóng tín hiệu từ các kênh đầu tư khác. Do đó, những khu vực bất động sản Hà Nội đã tăng nóng trước đó đến nay thanh khoản chững lại”, ông nói.