Vào lúc 0 giờ 14 ngày 9.5 (giờ VN), Hồng y người Pháp Dominique Mamberti trân trọng thông báo một tin trọng đại rằng “Chúng ta đã có Giáo hoàng“, sau 2 ngày mật nghị hồng y. Người được bầu là Hồng y Robert Prevost và ngài lấy tên Giáo hoàng là Leo XIV. Vị Giáo hoàng thứ 267 này xuất hiện trên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter khoảng 70 phút sau khi khói trắng bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistine, tín hiệu cho biết 133 hồng y cử tri đã chọn một lãnh đạo mới cho Giáo hội Công giáo với 1,4 tỉ tín đồ.

Giáo hoàng Leo XIV ra mắt công chúng
Ảnh: AFP
“Cầu nối và đối thoại”
Trước đó, làn khói trắng đã bốc lên từ nhà nguyện Sistine khiến hàng chục ngàn người ở quảng trường Thánh Peter vỡ òa trong tiếng hò reo hòa lẫn từng nhịp chuông ngân từ Vương cung thánh đường Thánh Peter. “Đức Giáo hoàng vạn tuế!” đám đông reo hò trong ánh nắng chiều tại Vatican, trong đó có người giơ cao tấm biển ghi “Chúng ta có một Đức Giáo hoàng!”.
Trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, Giáo hoàng Leo XIV vẫy tay chào hàng chục ngàn tín đồ đứng dưới quảng trường Thánh Peter. Trong bài phát biểu ngắn, Giáo hoàng Leo XIV cầu chúc “bình an cho tất cả anh chị em”. “Đây là lời chào đầu tiên của Chúa Kitô phục sinh, người chăn chiên nhân lành đã hy sinh mạng sống mình vì Thiên Chúa. Và tôi cũng muốn lời chào bình an này đi vào trái tim và gia đình mọi người”, Giáo hoàng Leo XIV giải thích lý do lựa chọn lời chào của mình. Để tỏ lòng tôn kính cố Giáo hoàng Francis, ngài kêu gọi các tín hữu “tiến lên, không sợ hãi, đoàn kết, tay trong tay với Chúa và với nhau”. Tân Giáo hoàng kêu gọi Giáo hội Công giáo trở thành một giáo hội “đồng nghị”, một giáo hội “luôn tiến về phía trước và luôn tìm kiếm hòa bình và gần gũi với những người đau khổ”. “Chúng ta phải cùng nhau nỗ lực để trở thành một giáo hội truyền giáo. Một giáo hội xây dựng những cầu nối và đối thoại”, ông phát biểu.
Thông minh và trắc ẩn
Theo Đài CBS, Giáo hoàng Robert Prevost xuất thân từ Chicago (Mỹ) và giữ chức vụ đứng đầu Bộ Giám mục của Giáo hội. Vị trí quyền lực này có nghĩa là ông giám sát việc lựa chọn các giám mục mới. Ông Prevost đã dành phần lớn thời gian phục vụ tại Peru và có quốc tịch cả ở Mỹ và Peru.
Cha Mark R.Francis thuộc Dòng Viatorian, người đã học cùng ông Prevost, trước đó đã đoán rằng ông Prevost có thể trở thành Giáo hoàng, phần lớn là nhờ vào công việc của ngài tại châu Mỹ Latin suốt nhiều năm. Cha Francis và ông Prevost từng là bạn học cùng lớp tại Học viện Thần học Công giáo ở Chicago từ năm 1978 – 1982. Cả 2 cũng đã cùng làm việc tại Rome vào những năm đầu thập niên 2000. “Trải nghiệm của tôi về Hồng y Prevost là ngài không phải người thích phô trương. Ngài rất điềm tĩnh, nhưng cực kỳ thông minh và đầy lòng trắc ẩn”, cha Francis nhìn nhận khi ông Prevost còn là hồng y.
Giáo hoàng Leo XIV được xem là một người tiến bộ trong nhiều vấn đề xã hội. Tổng thể, nhiều người nhìn nhận ông như một người trung dung. Giống như cố Giáo hoàng Francis, ông Prevost đã dành nhiều thời gian tiếp cận và hỗ trợ các nhóm thiệt thòi như người nghèo. “Ngài là một người rất nhạy cảm và quan tâm đến việc tạo cơ hội cho mọi người đều có tiếng nói”, cha Francis chia sẻ. Liệu triều đại Giáo hoàng Leo XIV có giống triều đại của cố Giáo hoàng Francis không, cha Francis cho rằng sẽ tương tự về các mục tiêu cơ bản. “Phong cách mà ông ấy sẽ mang đến cho triều đại Giáo hoàng sẽ là sự điềm tĩnh, ổn định, và hướng dẫn rất trực tiếp”, theo cha Francis.
Ngày thứ 2 mật nghị
Cộng đồng Công giáo đã có 3 vị Giáo hoàng liên tiếp được bầu vào ngày thứ 2 của mật nghị hồng y. Cả hai vị Giáo hoàng tiền nhiệm gần đây nhất đều được chọn làm Giáo hoàng ở vòng bỏ phiếu thứ 4 và thứ 5. Trong kỳ mật nghị năm 2005, Giáo hoàng Benedict XVI được chọn ở vòng bỏ phiếu thứ 4. Tại kỳ mật nghị năm 2013, Giáo hoàng Francis được chọn ở vòng bỏ phiếu thứ 5.