Sinh năm 1948, từ hơn 10 năm qua, bạn bè, người thân quen biết đến một GS Ngô Thanh Nhàn trong vai trò Phó chủ tịch Học viện Âm nhạc và Ngôn ngữ New York (Mỹ), truyền dạy đàn tranh cho thế hệ trẻ người Việt và các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới. Những ngày cuối tháng 4 này, GS Nhàn đang bận rộn với các hoạt động chuẩn bị cho ngày 3.5.2025 tổ chức kỷ niệm 50 năm hòa bình và phát triển của Việt Nam, tại New York.

GS Nhàn nơi ngõ nhỏ Hà Nội trong chuyến về nước cuối năm 2024
Ảnh: Thiên Ý
Chương trình này được bạn đời của ông là Merle Evelyn Ratner – một người Mỹ đã dành cả đời mình thể hiện tình yêu sâu đậm với đất Việt – hoạch định và chuẩn bị từ lâu, nhưng vào tháng 2.2024, bà không may qua đời do tai nạn giao thông. Và GS Ngô Thanh Nhàn thay vợ viết tiếp câu chuyện ấy.
Nàng dâu Mỹ và đám cưới kỳ lạ
Trở về Hà Nội sau chuyến đưa một phần tro cốt của Mơ – cách gọi thân thương của GS Ngô Thanh Nhàn với vợ – rải hòa vào sóng nước Biển Đông (ngày 10.8.2024) ở biển Hải Phòng, như một cách bày tỏ tình yêu nước Việt, GS Ngô Thanh Nhàn xúc động chia sẻ: “Tôi để một phần tro cốt Mơ ở Mỹ, một phần đặt nơi bàn thờ cùng ba mẹ tôi ở Sài Gòn, còn lại tôi rải về Biển Đông, tôi biết Mơ sẽ vui vì điều đó”.

Cô Mơ của GS Ngô Thanh Nhàn

Dùng tiếng đàn góp nét đẹp âm nhạc Việt vào văn hóa Mỹ
Ảnh: NVCC
Không khí buổi nói chuyện như chùng lại, lặng một chút buồn, rồi bất chợt GS Ngô Thanh Nhàn nói như reo: “Tôi và Mơ ngày xưa làm đăng ký kết hôn ở Hà Nội đấy, ngay tại Q.Ba Đình, ngày 22.1.1986. Lần về này tôi cũng có dịp đến thăm lại nơi đó, xúc động lắm”. Trong những năm 1980, đất nước đang trong thời kỳ cấm vận, nhìn thấy bóng dáng người nước ngoài ở Việt Nam đã là chuyện lạ. Càng lạ hơn khi một cô gái Mỹ lấy người Việt.
Nhà trai và nhà gái càng hy hữu hơn, cũng xếp vào hàng vô tiền khoáng hậu khi Ban Việt kiều làm đại diện nhà trai (GS Ngô Thanh Nhàn) còn Bộ Ngoại giao đứng ra đại diện cho nhà gái (bà Merle Evelyn Ratner).
Hỏi GS Nhàn vì sao ông xuất thân là người miền Nam, cô Mơ người Mỹ, cả hai lúc đó đang sống ở Mỹ, sao phải ra tận Hà Nội đăng ký kết hôn? GS Nhàn kể lại: “Vì Mơ yêu Việt Nam, không làm ở TP.HCM vì Mơ có nhiều mối quan hệ ở Hà Nội hơn. Chuyện kết hôn ngày ấy do bà nhà tôi thu xếp hết, tất cả các khâu thủ tục, chuẩn bị, Mơ giấu không cho tôi biết gì cả. Ra đến Hà Nội, tôi cứ nghĩ là đi làm các hoạt động khác. Đến bây giờ nhắc lại giây phút ấy, tôi vẫn còn ngỡ ngàng, khó có thể hình dung vì sao Mơ làm được mọi chuyện suôn sẻ đến thế”.
Tình người, tình non nước
Nỗ lực không mệt mỏi với những hoạt động mang lại nhiều kết nối đặc biệt cho quan hệ Việt – Mỹ ở nhiều khía cạnh, khi được hỏi về tình yêu nước, GS Ngô Thanh Nhàn tâm sự: “Yêu nước, đầu tiên là yếu tố bẩm sinh. Yêu nước là yêu vùng đất nơi mình sinh ra, yêu khung cảnh thiên nhiên. Bà Huyện Thanh Quan chỉ tả mấy câu ở bài Qua đèo ngang, cũng đủ thấy ở đó bóng hình non nước đượm tình với “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc…”. Yêu nước còn là khái niệm bình đẳng, ngày trước cụ Hồ mỗi khi tham gia các tổ chức quốc tế luôn nhắc đến “bình đẳng”. Tôi hướng đến bình đẳng về công nghệ tin học, tạo nên chuẩn quốc ngữ và chữ Nôm trên máy tính để người Việt có thể tham gia công nghệ tin học bình đẳng với các nước. Yêu nước, là hãnh diện với những gì đồng bào mình có được, nên trong các lớp đàn tranh, tôi thường dạy các bạn nước ngoài nhạc khúc Một mẹ trăm con, và chia sẻ cho họ thấy khái niệm đồng bào có ý nghĩa to lớn thế nào với người Việt”.

GS Nhàn cùng học trò lớp đàn tranh do ông khởi xướng

GS Ngô Thanh Nhàn trong một buổi trình diễn âm nhạc dân tộc cùng các học trò

Làm việc trong phòng thu cùng TS âm nhạc Phan Gia Anh Thư
Một điểm thú vị là GS Ngô Thanh Nhàn cho biết trong tình yêu non nước, ông học được nhiều từ vợ và nói thêm: “Từ khi nhà tôi mất, tôi sống như Mơ ở cả hai nghĩa là mơ mộng, và Mơ là nhà tôi. Tôi mặc quần áo của Mơ, nhuộm tóc, đeo khuyên tai… như Mơ thời còn sống và nghiệm ra tình yêu đất nước cũng thay đổi dáng hình theo thời gian. Lấy ví dụ, dân chịu đựng nỗi khổ gì, tình yêu nước sẽ nghiêng theo hướng đó. Thời chiến tranh, yêu nước thì phải làm sao không còn chiến tranh để người Việt khỏi đau khổ. Bạn thân như khúc ruột của tôi là liệt sĩ Nguyễn Thái Bình, khi anh bị hại năm 1972, tôi đòi công lý cho bạn, cũng là cách đòi hòa bình. Chiến tranh kết thúc, thì làm sao để Mỹ không quay lại. Khi bị cấm vận thì kêu gọi sớm bãi bỏ, vận động bình thường hóa quan hệ, và phải làm sao để người Mỹ hiểu người mình hơn. Mơ nhà tôi đặt ra mối quan hệ nhân dân và nhân dân Mỹ – Việt, khi xây dựng được tình yêu này, sẽ là nhất quán. Chính phủ có thể đổi thay, nhưng tình người không thay đổi”.
Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt, sau mỗi cuộc chiến, lại là những gian truân, vất vả chồng chất. Để giữ được hòa bình, ấy mới là vốn quý, là điều kiện để trở nên hùng cường, GS Ngô Thanh Nhàn chia sẻ: “Quan hệ đối ngoại hiện nay và trong những năm tới có nhiều thay đổi, nhưng nền tảng trong quan hệ nhân dân sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định xã hội, với điểm nổi trội là vì hạnh phúc con người. Bình quân thu nhập đầu người ở Việt Nam năm 1975 là 372 USD, đến 2023 là 4.347 USD. Chương trình xóa đói giảm nghèo rất thành công, xóa mù chữ đạt trên 90%. Những con số ấy góp phần củng cố và chứng minh thêm vị thế, tầm vóc người Việt đang ngày càng vững mạnh cùng non sông gấm vóc Việt Nam”.