Giáo viên nước ngoài nhận xét gì về độ khó đề thi tiếng Anh của Việt Nam?

Giáo viên nước ngoài nhận xét gì về độ khó đề thi tiếng Anh của Việt Nam?

bởi

trong
Giáo viên nước ngoài nhận xét gì về độ khó đề thi tiếng Anh của Việt Nam?

Thí sinh trao đổi về đề thi môn tự chọn sau khi kết thúc giờ làm bài

ẢNH: NGỌC LONG

”Nhiều câu hỏi trong đề thi được viết khá lạ và thiếu tự nhiên”

Có hơn 10 năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh tại Việt Nam, cô Denise Thomson, ngụ TP.HCM và sở hữu bằng cấp, chứng chỉ nâng cao về giáo dục từ ĐH Auckland (New Zealand), thông tin để đánh giá một người có thực sự hiểu và sử dụng ngoại ngữ, chúng ta cần phải cho các em thể hiện tư duy phản biện bằng thứ tiếng đó, tạo điều kiện để các em lập luận logic hay học cách phản hồi phù hợp để truyền đạt ý tưởng hiệu quả trong đề thi.

Bài thi này càng củng cố suy nghĩ sai lầm rằng để làm tốt IELTS (hay tiếng Anh nói chung) thì phải biết thật nhiều từ vựng ‘đao to búa lớn’. Điều đó hoàn toàn không đúng. Chúng tôi luôn cố gắng giải thích cho học sinh hiểu rằng điều quan trọng là dùng đúng từ để diễn đạt ý của mình chứ không phải dùng nhiều từ dài, phức tạp. Đáng buồn là sau đề này sẽ có học sinh nghĩ, ‘tiếng Anh quá khó đối với mình’ và mất luôn động lực học

Cô Denise Thomson

“Tuy vậy đề thi tiếng Anh đơn giản chỉ đánh giá kiến thức, hay thậm chí là phỏng đoán của các em về từ vựng và ngữ pháp tiếng Anh. Những người làm giáo dục thật sự cần hiểu rằng ngôn ngữ không chỉ dựa trên từ vựng và ngữ pháp đơn thuần”, nữ giáo viên chia sẻ. “Thành thật mà nói, nhiều câu hỏi trong đề thi cũng được viết khá lạ và thiếu tự nhiên. Ngay cả tôi cũng phải đọc lại vài lần mới có thể hiểu được”.

Từng hoạt động ở lĩnh vực luyện thi IELTS, cô Thomson cho rằng đề thi quá dài cũng như đưa vào quá nhiều từ vựng khó, không thật sự cần thiết cho quá trình giao tiếp. “Trong bài thi IELTS vẫn có từ vựng khó ở bài thi Reading, nhưng thí sinh không bị đánh giá dựa trên việc thuộc lòng các từ đó mà dựa trên khả năng nắm bắt ý chính và những từ ngữ then chốt quyết định thông điệp của đoạn văn”, cô Thomson cho hay.

“Đề thi này chắc chắn nằm ở trình độ C1 hoặc C2 theo khung CEFR”, cô Thomson nêu quan điểm.

Nhìn chung, nữ giáo viên cho rằng đề thi được xây dựng thiếu tính toán và không phản ánh đúng năng lực trung bình của thí sinh. So với trình độ học sinh lớp 12 hiện nay mà cô từng tiếp xúc, cô dự đoán phần lớn các em sẽ không thể làm bài điểm cao và không giúp các em biết bắt đầu cải thiện từ đầu.

“Bài thi này càng củng cố suy nghĩ sai lầm rằng để làm tốt IELTS (hay tiếng Anh nói chung) thì phải biết thật nhiều từ vựng ‘đao to búa lớn’. Điều đó hoàn toàn không đúng. Chúng tôi luôn cố gắng giải thích cho học sinh hiểu rằng điều quan trọng là dùng đúng từ để diễn đạt ý của mình chứ không phải dùng nhiều từ dài, phức tạp. Đáng buồn là sau đề này sẽ có học sinh nghĩ, ‘tiếng Anh quá khó đối với mình’ và mất luôn động lực học”, cô nói thêm.

Bài thi sẽ “dễ thở” hơn, nếu…

Trong khi đó, thầy Rick Sharples, giáo viên tiếng Anh hiện đang giảng dạy tại TP.Bangkok (Thái Lan), cho rằng đề thi tiếng Anh của Việt Nam hướng đến việc đánh giá cách học sinh nắm bắt ngữ pháp, logic khi dùng tiếng Anh, không đặt nặng việc các em phải hiểu chủ đề của từng phần. “Tôi làm xong mỗi phần trong khoảng 5-10 phút và nghỉ một chút giữa các phần. Tổng thời gian làm bài là khoảng một giờ”, thầy thông tin.

Giáo viên nước ngoài nhận xét gì về độ khó đề thi tiếng Anh của Việt Nam? - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

ẢNH: NGỌC LONG

Một điểm thầy Sharples không thích ở đề thi là có những câu hỏi đưa ra các đáp án đều có vẻ hợp lý và yêu cầu thí sinh phải suy luận loại trừ. Vấn đề của dạng câu hỏi này là các đáp án đã được diễn đạt lại (paraphrase) và tất cả đều có thể đúng tùy thuộc vào ngữ cảnh, mục đích của việc diễn đạt lại. “Tuy vậy,đây lại là một kỳ thi, một bài tập tách biệt, nên thí sinh không có một ngữ cảnh hay mục đích cụ thể để dựa vào”, thầy chia sẻ.

Một hạn chế khác “dễ thấy và gây khó chịu nhất” là các trang đề thi dày đặc chữ, khiến thí sinh rất nhanh bị mỏi mắt. “Ngay cả tôi cũng phải dừng việc làm bài sau 5 phút vì quá khó để tập trung”, thầy Sharples nói. “Cần thêm khoảng trắng giữa các văn bản, câu hỏi lẫn đáp án nhằm giảm tình trạng phải căng mắt đọc đề. Đề có thể trình bày dàn trải hơn trên 6 trang giấy thay vì nhồi nhét trong 4 trang như hiện tại”.

Như vậy, về tổng thể, người ra đề chỉ cần thực hiện vài thay đổi nhỏ về bố cục và cách trình bày là có thể khiến thí sinh “dễ thở” hơn chứ không nhất thiết thay đổi quá nhiều trong nội dung câu hỏi. “Tuy nhiên, nếu mục tiêu của đề là đánh giá toàn diện khả năng đọc hiểu của thí sinh, tôi nghĩ nên thiết kế bài thi theo hướng khuyến khích các em thật sự đọc hiểu được ngữ liệu”, thầy Sharples nêu quan điểm.

Nam giáo viên lưu ý thêm, kỹ năng đọc lướt (skim reading) vô cùng quan trọng để làm tốt đề thi này. “Nếu bản thân tôi đi thi, tôi sẽ không đọc hết cả văn bản ngay từ đầu mà sẽ xem trước câu hỏi để biết những từ khóa và cụm từ cần chú ý. Sau đó, tôi sẽ lướt nhanh toàn bộ văn bản để tìm thông tin quan trọng phục vụ cho việc trả lời câu hỏi”, thầy Sharples kể.

Cần thêm khoảng trắng giữa các văn bản, câu hỏi lẫn đáp án nhằm giảm tình trạng phải căng mắt đọc đề. Đề có thể trình bày dàn trải hơn trên 6 trang giấy thay vì nhồi nhét trong 4 trang như hiện tại

Thầy Rick Sharples

Điểm tích cực của đề thi tiếng Anh

Học tập, làm việc tại Canada trong 5 năm qua và từng giảng dạy tiếng Anh, Đào Sơn Tùng, thí sinh đạt 8.5 Reading trong bài thi IELTS, cho biết sau 50 phút làm bài, anh đã làm đúng được 35/40 câu. “Tôi đánh giá đề tương đối khó nhưng thiết thực và hay hơn so với đề các năm trước. Bởi đề năm nay đánh mạnh vào khả năng đọc hiểu, lồng ghép cả những câu hỏi về ngữ pháp, từ vựng chứ không chỉ cần mẹo là có thể làm tốt như trước”, anh chia sẻ.

Cũng theo anh Tùng, nếu so với trước, đề thi tiếng Anh năm nay đã không còn đặt nặng vào phần ngữ pháp, từ vựng. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi về mặt nói năng thực tế, các bên không quá quan trọng ngữ pháp đúng sai mà luôn nỗ lực tìm cách hiểu người đối diện muốn truyền đạt gì. Trong khi đó, về mặt viết lách, hiện đã có nhiều công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) giúp sửa lỗi sai ngay lập tức cho người dùng.

“Do đó, nếu đề chỉ chăm chăm vào ngữ pháp hay từ vựng thì sẽ không hiệu quả”, anh Tùng chia sẻ từ Canada. “Đề theo cấu trúc mới đã thực sự đánh mạnh vào mảng hiểu vì học ngoại ngữ quan trọng là hiểu và trình bày bằng ngôn ngữ đó. Nhưng không thể phủ nhận rằng đề đã đánh giá năng lực đọc hiểu tốt đến mức phản tác dụng. Bản thân tôi thích những câu hỏi mang thiên hướng từ vựng của đề cũ hơn”.

Tuy nhiên, anh Tùng cũng khẳng định đề thi tiếng Anh hiện tại không giúp quá nhiều trong giao tiếp thực tế vì “ngay cả trong văn viết cũng không ai viết như ngữ liệu đề cung cấp cả, huống hồ gì là văn nói”. Có hai hướng khả dĩ để giải quyết điều này, một là tách riêng thành một bài đọc và một bài viết; hay hai là có thêm một bài nghe để đánh giá kỹ năng khả năng hiểu của thí sinh, theo anh Tùng.

Bộ GD-ĐT: Đề thi tốt nghiệp THPT không vượt yêu cầu của chương trình

Trong báo cáo hôm nay (1.7), Bộ GD-ĐT khẳng định nội dung đề thi tốt nghiệp THPT không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới). Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hóa và dựa vào kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.

Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi toán và tiếng Anh, theo Bộ GD-ĐT, có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được.

Bộ GD-ĐT cho biết thêm cũng xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, tại cả các tỉnh khó khăn nhất. Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hóa và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.