“Giật sập” bình yên của hàng xóm

“Giật sập” bình yên của hàng xóm

bởi

trong

Cuối tháng Sáu vừa rồi, cơ quan chức năng ở TPHCM đã bắt khẩn cấp người đàn ông giật sập cửa nhà hàng xóm vì bị nhắc hát karaoke. Tôi thấy nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội ủng hộ việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật vụ này. Nhưng không chỉ có thể, theo tôi trong vụ này còn nên xem xét hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn của những người liên quan. Người đàn ông giật sập cửa nhà hàng xóm không trực tiếp gây ra tiếng ồn, nhưng sự việc xảy ra trong khu vực anh ta chịu trách nhiệm và do nhân viên của anh ta thực hiện.

Chúng ta có điều 8 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau hoặc phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng.

Chúng ta cũng có điều 22 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP với các mức phạt từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng, tùy theo mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn.

Theo QCVN 26:2010/BTNMT được ban hành kèm theo thông tư số 39/2010/TT-BTNMT, các nguồn gây ra tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt tại khu chung cư, nhà ở riêng lẻ không được vượt quá 70 bBA (đơn vị đo âm thanh) trong khung giờ từ 6h đến 21h và 55 dBA trong khung giờ từ 21h đến 6h.

“Giật sập” bình yên của hàng xóm

Người hàng xóm đạp đổ cánh cửa nhà ông Ân vì nhắc nhở hát karaoke (Ảnh: Cắt từ clip).

Và chúng ta còn nhiều nữa những chế tài với ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng hãy nhìn xem, vấn nạn karaoke vẫn hoành hành cho dẫu chúng ta có nghị định xử phạt rõ ràng. Chỉ là vì để phạt được đòi hỏi phải có tố cáo của người dân, có lực lượng chức năng được trang bị máy đo độ ồn đúng quy định (thay vì có thể đo trực tiếp trên ứng dụng điện thoại). Và như trường hợp giật sập cửa nhà hàng xóm chỉ vì bị nhắc nhở việc hát karaoke, nếu không có camera ghi lại, dễ gì anh Ân, chủ nhà, được yên thân với gã hàng xóm ngang ngược?

Vấn nạn hát karaoke có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi nhất là khi công nghệ ngày càng rẻ. Không cần trang bị loa đài âm ly, chỉ cần một chiếc loa kéo hoặc thậm chí ngay tại các khu chung cư, chiếc micro tích hợp cả loa cũng đủ biến bất cứ chỗ nào thành một sân khấu mini. Ở ngay trong khu chung cư nhà tôi, những chị, cô, bà giúp việc sáng sáng đẩy xe nôi đưa trẻ xuống sân chơi hay tối tối túm tụm lại là hát. Cứ như thể đó cũng là bài tập thể dục mỗi ngày hay món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người vậy. Bất chấp giọng hát ấy kinh khủng khiếp thế nào, ông ổng, the thé thậm chí không khác gì tiếng… quát mèo mắng chó. Tra tấn bất cứ ai không may ở gần họ. Có thể nói việc hát karaoke này là hành vi “giật sập” bình yên của hàng xóm.

Nhưng không chỉ là chuyện karaoke đâu. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) xếp TPHCM ở vị trí thứ 5 trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới. Theo khảo sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), tại 12 tuyến đường và nút giao thông chính trên địa bàn Hà Nội, vào ban ngày (từ 6h-18h), tiếng ồn tại mặt đường trung bình là 77,8dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép 2,8dBA; tiếng ồn tại các nút giao thông trung bình là 78,1dBA, vượt tiêu chuẩn 3,1dBA. Vào chiều tối và tối, cũng như buổi đêm tiếng ồn tại mặt đường và tại các nút giao thông này cũng vượt mức cho phép.

Như vậy mức ồn giao thông hiện nay ở Hà Nội khá lớn, cao hơn chỉ số tiêu chuẩn cho phép đối với khu vực công cộng và khu dân cư (50 – 70dB vào ban ngày). Đó là còn chưa kể những tuyến phố bán hàng khi nhà nhà bật loa quảng cáo, bật nhạc gây chú ý và thói quen bấm còi xe ngay cả khi đường đang… tắc của rất nhiều người Việt.

Tiếp xúc lâu với ô nhiễm tiếng ồn sẽ ảnh hưởng xấu, có thể hủy hoại đến những tế bào lông ở tai trong, theo nhà nghiên cứu A.J. Hudspeth, Đại học Y khoa California (Mỹ). Đây là những tế bào có nhiệm vụ thu nhận các đợt sóng âm thanh, chuyển lên não bộ để được nhận rõ đó là âm thanh gì và từ đâu phát ra. Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn đưa tới thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chứng minh liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70dB có thể tăng rủi ro bệnh nhồi máu cơ tim.

Tóm lại, ô nhiễm tiếng ồn thực sự là vấn đề đáng báo động với sức khỏe cộng đồng, tương tự với ô nhiễm môi trường do khói bụi.

Sâu xa hơn nữa từ ô nhiễm tiếng ồn còn là việc thượng tôn pháp luật. Khi mà chúng ta ban hành ra nghị định nhưng nhiều người coi như không biết, nhờn luật. Câu chuyện karaoke kể trên – một lần nữa, là dịp để chúng ta cùng nhìn lại tính khả thi của quy định pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn; xem lại cách một bộ phận người dân đã tôn trọng không gian sống của cộng đồng như thế nào?

Một người văn minh luôn biết làm gì để không phiền đến những người xung quanh. Một người ý thức sẽ chẳng để ai phải chịu đựng tiếng ồn do mình gây ra. Và hơn nữa, đừng để lũ trẻ lặp lại chính cái cách mà cha mẹ chúng đang làm: hát karaoke một cách vô ý thức!

Tác giả: Nhà văn – nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh “anh Chánh Văn” trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!