‘Giờ không điện’ vào những đêm trăng gia đình quây quần bên nhau

‘Giờ không điện’ vào những đêm trăng gia đình quây quần bên nhau

bởi

trong

Tiết kiệm điện không chỉ là giảm số lượng tiêu thụ điện, giảm vài chục nghìn đồng mỗi tháng, mà quan trọng hơn là hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, sống có trách nhiệm với tương lai của đất nước…

Tuổi thơ tôi gắn liền với những ngọn đèn dầu leo lét. Năm 1993, tôi chuẩn bị vào lớp 10 thì nơi tôi ở mới có điện, dù miền quê chỉ cách nội thị Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên cũ) 5 km. Trẻ con chạy khắp xóm, mừng! Nhưng điện đóm xập xình, ngày có ngày cúp, vì không đủ cung cấp. Có những đêm hè chờ điện, già trẻ lớn nhỏ tập trung trước sân, nghe người lớn kể chuyện chiến tranh, tản cư, thời bao cấp khó khăn…

‘Giờ không điện’ vào những đêm trăng gia đình quây quần bên nhau

Dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường là việc làm thường xuyên của các bạn đoàn viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM

Ảnh: EVNHCMC

Làng quê yên bình nhưng còn nghèo khó, ai cũng tiết kiệm điện để giảm bớt chi phí. Má tôi sợ tốn điện, không có tiền trả nên luôn tắt quạt, tối thui mới bật đèn, nấu nước sôi bằng củi tre… Nghĩ lại mà thương. Giờ cuộc sống khá hơn, vài trăm nghìn tiền điện mỗi tháng cũng bình thường, nhưng tôi muốn con mình không quên bài học tiết kiệm điện.

Trò chơi “Đi tìm thiết bị điện còn thức”

Khi con còn nhỏ, trước khi đi ngủ, tôi cùng con chơi trò “Đi tìm thiết bị điện còn thức”. Chủ yếu là để con tập kiểm tra xem bóng đèn nào đang bị quên tắt khi không dùng, máy quạt hay tivi đã tắt nguồn chưa. Mỗi lần phát hiện bóng đèn trong nhà tắm để quên, chiếc quạt đang quay trong phòng trống, con lại reo lên như lập được công lớn, như tìm ra kho báu. Tôi nhắc nhở, vật cũng như người, cần phải nghỉ ngơi, vừa tiết kiệm điện vừa giữ tuổi thọ cho vật dụng. Trò chơi nhỏ, nhưng hình thành thói quen lớn cho con.

Lớn hơn chút, tôi bắt đầu kể cho con nghe về hành trình dòng điện. Từ nguồn nước, than đá, dầu lửa, đi qua nhà máy để đến ngôi nhà nhỏ của mình. Tôi nói với con về khói bụi từ nhà máy nhiệt điện, về trái đất nóng lên từng ngày, về việc mỗi lần chúng ta tắt bớt một bóng đèn là đã góp phần làm cho bầu trời trong xanh hơn. Người ta tận dụng nắng, gió tạo ra điện, nguồn năng lượng xanh và sạch, có lợi cho môi trường.

Gia đình tôi cùng nhau thực hành tiết kiệm điện theo nhiều cách: sử dụng bóng đèn LED, chọn các thiết bị có nhãn năng lượng tiết kiệm, tắt thiết bị khi không dùng thay vì để ở chế độ chờ, tận dụng ánh sáng trời vào ban ngày. Một thay đổi quan trọng và hiệu quả nữa mà tôi muốn chia sẻ là tôi lắp đặt bóng đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng ngoài cổng, sau hè, sân nhà, sân vườn. Nhờ đó, sân nhà sáng rực mà không tốn điện. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa góp phần sử dụng nguồn năng lượng tái tạo sạch và thân thiện với môi trường.

Nhà quay mặt hướng đông nên tôi còn thực hiện: “giờ không điện” vào những đêm trăng. Tắt đèn, tắt tivi, cùng nhau ngồi bên hiên nhà trò chuyện, kể chuyện ngày xưa. Những buổi tối như vậy, không chỉ tiết kiệm được “vài ký” điện (kW), mà còn “thắp sáng” lên tình cảm gia đình, kết nối yêu thương, vun bồi xúc cảm lắng nghe và thấu hiểu thiên nhiên.

 - Ảnh 2.

Sân nhà tôi lúc 4 giờ sáng luôn được chiếu sáng bởi bóng năng lượng mặt trời

Ảnh: TGCC

Hành động của một gia đình là rất nhỏ so với bài toán lớn về an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng nếu mỗi nhà cùng chung tay, thì sức mạnh cộng hưởng sẽ rất lớn. Tiết kiệm điện không phải là quá khắt khe đến mức khắc khổ, mà là cách sống có trách nhiệm với mọi người, với quê hương đất nước.

Nay con tôi đã lớn, tôi ít phải nhắc nhở nữa. Tôi tin rằng, những thói quen ấy sẽ theo con suốt đời, không chỉ giúp con trở thành người tiêu dùng thông thái, mà còn là một công dân có ý thức trách nhiệm cao. Bài học về tiết kiệm điện chính là khởi đầu cho một hành trình sống đẹp, sống xanh, sống tiết kiệm, sống có trách nhiệm với chính cuộc đời.

30 triệu đồng tiền thưởng và quà hấp dẫn đang chờ chủ nhân

Tiếp nối thành công của 2 mùa trước, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia năm nay mở rộng thông điệp: Sử dụng điện tiết kiệm, an toàn để ngăn ngừa tai nạn, phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi tìm kiếm những câu chuyện chân thật, kinh nghiệm hữu ích, sáng kiến hay từ chính cuộc sống, hộ gia đình, cơ quan – để cùng lan tỏa hành vi sử dụng điện thông minh, bền vững và an toàn.

Thời gian nhận bài: Từ ngày 22.4 đến 22.7.2025.

Gửi bài qua email: [email protected].

Hoặc gửi bưu điện về: Tòa soạn Báo Thanh Niên, 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, TP.HCM.

(Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ chi tiết: Xem tại thanhnien.vn.

 - Ảnh 3.