Gỡ nút thắt nơi cửa biển

Gỡ nút thắt nơi cửa biển

bởi

trong
Gỡ nút thắt nơi cửa biển

Nghề cá, một trong những trụ cột truyền thống của kinh tế biển VN, không chỉ nuôi sống hàng triệu ngư dân mà còn góp phần mang về hàng tỉ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định kinh tế biển là một trong những mũi nhọn, hướng tới xây dựng vùng duyên hải Trung bộ mạnh về biển, giàu từ biển.

Tuy nhiên, gần 7 năm kể từ khi EU rút “thẻ vàng” IUU, nhiều “nút thắt” tại cửa biển vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Từ các bãi ngang miền Trung, cửa biển miền Nam đến những cảng cá sầm uất miền Bắc, hình ảnh chung vẫn lặp lại: cửa biển bồi lấp, tàu công suất lớn không thể cập bến, cảng cá xuống cấp, ô nhiễm, thiếu hệ thống xử lý nước thải, dây chuyền bốc xếp…

Ở nhiều nơi, ngư dân phải chạy lòng vòng tìm chỗ đủ điều kiện để bốc dỡ hải sản. Việc không thể cập cảng đúng quy định khiến chuỗi dữ liệu truy xuất nguồn gốc bị đứt đoạn, điều tối kỵ trong kiểm soát IUU. Sản phẩm khi không có xác nhận rõ ràng lập tức bị loại khỏi chuỗi cung ứng chính ngạch.

Không dừng lại ở hạ tầng, hệ thống truy xuất điện tử (eCDT) tại nhiều nơi vẫn còn vận hành thiếu đồng bộ. Nhiều chủ tàu chưa quen thao tác công nghệ, dẫn đến tình trạng ghi sai hoặc bỏ trống dữ liệu. Một số cảng cá hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nhưng không đủ nguồn lực duy tu cơ sở hạ tầng, dẫn tới tình trạng xuống cấp nhanh chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng.

Thực tế cho thấy trong khi nhiều nơi vẫn loay hoay, không ít địa phương đã chủ động vượt khó. Cảng cá Hòa Hiệp (Phú Yên), Thọ Quang (Đà Nẵng), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Hòn Rớ và Đá Bạc (Khánh Hòa)… đang từng bước cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực kiểm tra và kiểm soát. Những chuyển biến đó khẳng định: nếu địa phương thật sự vào cuộc, ngành chức năng “xắn tay áo” đồng hành, thì chuyện khó vẫn có thể tháo gỡ sớm.

Thông điệp lúc này cần thật rõ ràng: gỡ “thẻ vàng” không thể chỉ dừng lại ở các cuộc hội nghị hay văn bản chỉ đạo. Điều quan trọng là hành động cụ thể, từ từng con tàu đến từng cảng cá. Không thể để ngư dân đánh bắt hợp pháp nhưng lại bị vướng víu bởi việc không có nơi cập cảng đạt chuẩn. Không thể viện cớ “thiếu ngân sách” hay “chờ hướng dẫn từ Trung ương” để trì hoãn. Không thể để một vài địa phương làm tốt lại bị cản trở vì nơi khác thờ ơ, thiếu quyết tâm.

Đã đến lúc cả hệ thống cần đồng hành, cùng tháo gỡ những điểm nghẽn của nghề cá, từ biển cả đến đất liền. VN sở hữu hơn 3.200 km đường bờ biển, đội tàu cá hùng hậu, nguồn lợi hải sản phong phú và chất lượng cao. Nhưng nếu không kiểm soát tốt khâu cập cảng, điểm chốt quan trọng trong chuỗi kiểm soát IUU, thì không chỉ đánh mất thị trường xuất khẩu, mà còn làm suy giảm niềm tin vào một nền thủy sản minh bạch và bền vững.

Điều cần làm lúc này là hiện thực hóa chương trình quốc gia về nâng cấp hạ tầng cảng cá theo hướng hiện đại, đồng bộ, đúng chuẩn và đủ tầm. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là chiến lược phát triển dài hạn cho ngành thủy sản trong giai đoạn mới.

Chỉ khi các “nút thắt” từ cảng cá sớm được tháo gỡ, khi mỗi con cá cập bờ đều được truy xuất đầy đủ và minh bạch, thì hành trình từ biển cả đến bàn ăn thế giới mới thực sự liền mạch và vững bền.