Quần áo không chỉ để mặc, mà còn để… chụp hình
Gu thời trang sao cho hợp với ý tưởng, không gian check-in, ánh sáng… và hơn hết là để có ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội đang trở thành “quy tắc ngầm” trong hành trình xuống phố của một bộ phận người trẻ.
Sáng cuối tuần, tại một quán cà phê theo phong cách Bắc Âu ở P.Bến Thành (TP.HCM), nhóm bạn trẻ ăn vận đồng điệu. Theo đó, các bạn nữ diện váy xếp ly, áo croptop màu ngà, tóc búi gọn, mang giày búp bê. Còn những bạn nam thì sơ mi trắng, quần kaki sáng màu, tóc vuốt gọn, đeo mắt kính gọng mảnh. Mỗi người chọn một góc quán để “lên hình”.
Nguyễn Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, thành viên trong nhóm, chia sẻ: “Tụi em chọn quán theo concept (tạm dịch là cách sắp xếp, phong cách và bố cục để tạo nên nội dung và truyền tải cảm xúc của một bộ ảnh) trang phục. Đi chơi là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là phải có ảnh đẹp để đăng Instagram”.

Theo chuyên gia, gu thời trang của một bộ phận người trẻ bị dẫn dắt quá mức bởi mạng xã hội và sự đánh giá của người ngoài
ẢNH MINH HỌA: THANH NAM
Không chỉ Thư, ngày càng nhiều bạn trẻ sống tại TP.HCM… coi việc phối đồ và chọn địa điểm đi chơi như một “chiến dịch sản xuất nội dung hình ảnh cá nhân”. Quần áo không chỉ để mặc, mà còn để ghi hình. Không gian không chỉ để thư giãn, mà còn để lên khung hình đẹp. Nhiều bạn thậm chí chọn trang phục theo tiêu chí: “Lên hình đẹp không?”, “Có hợp với background (khung nền phía sau – PV) không?”, “Có ánh sáng để blend (pha trộn, kết hợp) màu tốt không?”… chứ không còn là thời tiết, tiện dụng hay tính cách cá nhân.
Phạm Thảo Vy, sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, kể: “Mình từng thấy buồn vì ảnh đăng lên ít người thả tim. Có lần đi chơi, mặc đồ đơn giản nên bị bạn bè trêu là “lạc quẻ”. Vậy là từ đó, mỗi lần đi đâu cũng phải chuẩn bị outfit (sự kết hợp các món đồ), trang điểm, mang thêm đồ để thay nếu cần”.
Trần Tuấn Vũ (24 tuổi, ngụ ở chung cư Vinhomes Grand Park, P.Long Bình, TP.HCM), cho biết: “Cứ mỗi 2 – 3 tuần, lại có một xu hướng ăn mặc mới nổi lên. Nếu mình không bắt kịp, thì sẽ bị cảm thấy lạc lõng”.
Cũng theo Vũ: “Mình từng bỏ ra gần 5 triệu đồng chỉ để mua quần áo phù hợp với một bộ ảnh theo phong cách retro (các thiết kế thời trang được lấy cảm hứng từ những năm 1950 đến năm 1980). Mặc đúng một lần, chụp xong là cất tủ”.

Người trẻ có thể tận dụng mọi ngóc ngách để chụp ảnh “sống ảo”
ẢNH MINH HỌA: THANH NAM
Khi gu thời trang bị dẫn dắt quá mức bởi mạng xã hội…
Nhà thiết kế thời trang Vũ Hoàng Thảo (27 tuổi, ngụ ở TP.HCM), nhận định: “Mạng xã hội đã và đang góp phần định hình gu mặc của nhiều người trẻ. Có những bạn đang mặc đồ theo: “concept Instagram” hoặc “trường phái TikTok”. Cũng có người thích phong cách “clean girl”, “Y2K”, “coquette”, “dark academia” cho đến “balletcore”, “cottagecore”. Nhiều người trẻ hiện đại sở hữu tủ đồ gần như chỉ để… chụp hình”.
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Minh Tùng (26 tuổi, ngụ ở TP.HCM), cho hay: “Không quá lời nếu nói gu thời trang của người trẻ bị phụ thuộc vào mạng xã hội. Sự ảnh hưởng từ các KOL, influencers (những người có sức ảnh hưởng – PV) cũng góp phần định hình tâm lý “mặc để có hình đẹp” trong giới trẻ. Một số bạn trẻ còn đầu tư thuê nhà thiết kế, chụp theo bối cảnh riêng y hệt như… người nổi tiếng. Và ngày càng có nhiều dịch vụ cung cấp các dịch vụ trang điểm, cho thuê đồ, thiết kế đồ, chụp ảnh… phục vụ cho nhu cầu “sống đẹp trên mạng” của người trẻ”.
Theo anh Tùng, nhiều chốn đô thị ngày càng được thiết kế để phục vụ sở thích chụp ảnh của người trẻ. Chẳng hạn có nhiều quán cà phê được thiết kế nhiều góc chụp ảnh phục vụ nhu cầu “sống ảo” của khách hàng trẻ. Ngoài ra, ở các không gian sống, từ quán cà phê, nhà sách, nhà hàng đến rạp chiếu phim… cũng có nhiều nơi được thiết kế giúp người trẻ “lên hình xinh”.
Anh Tùng nhận định: “Khi gu thời trang bị dẫn dắt quá mức bởi mạng xã hội và sự đánh giá của người ngoài, người trẻ có nguy cơ đánh mất cá tính, chạy theo chuẩn mực thẩm mỹ ảo và rơi vào vòng xoáy tiêu dùng không lành mạnh”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Trinh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), phân tích: “Việc quá phụ thuộc vào việc người khác nhìn nhận mình ra sao khiến người trẻ dần lệ thuộc vào “ánh nhìn của số đông”. Thời trang đáng ra là biểu hiện của cái tôi, nay lại trở thành công cụ để người khác công nhận”.
Cũng theo bà Trinh, đây là dấu hiệu của một thế hệ đang sống quá nhiều cho hình ảnh bên ngoài, thay vì giá trị bên trong. “Khi hình ảnh cá nhân gắn với tương tác mạng xã hội, gu ăn mặc không còn phục vụ bản thân mà bị chi phối bởi thuật toán, nơi cái đẹp bị tiêu chuẩn hóa theo trend. Ngoài ra, áp lực phải “mặc đẹp để chụp ảnh” cũng khiến không ít bạn trẻ vung tay chi tiêu không kiểm soát. Nhiều sinh viên, người đi làm lương chưa cao nhưng sẵn sàng chi vài triệu đồng mỗi tháng để mua quần áo theo trend, dù sau đó chỉ mặc một lần rồi… cất trong tủ”, bà Trinh nói.

Có những người trẻ thừa nhận, họ muốn mặc đẹp để có ảnh thu hút nhiều tương tác khi đăng mạng xã hội
ẢNH MINH HỌA: THANH NAM
Theo nhà thiết kế thời trang Vũ Hoàng Thảo, trong dòng xoáy “mặc để đẹp trên mạng”, người trẻ có thể bắt đầu hành trình quay về với gu thời trang thực tế, tối giản và phản chiếu chính mình.
“Những phong trào “thời trang bền vững”, “chống fast fashion”, “mặc lại đồ cũ”, “capsule wardrobe” (tủ đồ ít nhưng chất lượng) đang được quan tâm trở lại. Trên các nhóm Facebook như “đẹp bền vững”, “local brand Việt Nam”, hay trên TikTok, nhiều bạn chia sẻ cách kết hợp quần áo cũ thành những bộ đồ mới, hoặc tái chế trang phục thành phụ kiện handmade độc đáo. Có thể suy nghĩ đến chuyển từ mặc theo trend sang mặc theo chất liệu, kiểu dáng phù hợp với cơ thể. Cảm giác không cần chạy theo xu hướng nữa giúp mình tự tin và tiết kiệm hơn nhiều”.
Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Minh Tùng cũng nói: “Thời trang không cần hoàn hảo để lên hình, mà cần đúng với con người thật của bạn”.
Anh Tùng nói thêm: “Muốn mặc đẹp là quyền cá nhân, nhưng không nên bị chi phối bởi “like, share, tương tác”. Mỗi người trẻ nên tìm gu thời trang riêng. Tự do chọn lựa, không áp đặt theo cộng đồng mạng. Thời trang không sai, sống ảo cũng không sai, miễn là chúng ta không để những cú nhấp chụp ảnh chi phối cả đời sống thật”.