Theo dự báo của Cục Khí tượng Thuỷ văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đêm 20/7 vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm 3-5m, biển động dữ dội.
Từ 21/7, vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2-4m, biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Bão Wipha đang tiến gần hơn vùng biển và đất liền nước ta (Ảnh: NCHMF).
Để chủ động ứng phó với bão số 3 (bão Wipha), Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đã gửi tin nhắn Zalo tới 29 triệu thuê bao để hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Cơ quan này khuyến cáo người dân không chủ quan và tuân thủ theo các khuyến cáo, trong đó phải thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh; đảm bảo an toàn tàu thuyền nơi neo đậu, bảo vệ lồng, bè thủy sản, nhất là người dân trên các đảo.
“Tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền đã neo đậu, tàu du lịch, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Chủ động hoãn hoặc hủy các chuyến đi khi thời tiết xấu để đảm bảo an toàn; tránh di chuyển đến khu vực ven biển, đảo, vùng núi hoặc nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét”, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai nêu rõ.
Cơ quan này đề nghị người dân tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp và có hướng dẫn cụ thể từ lực lượng chức năng.
Người dân cần xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình, chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Bên cạnh dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men và gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, người dân cần gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đề phòng mưa, lũ, ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, khu vực đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở miền núi; đề phòng nước dâng vùng ven biển, cửa sông.
Số điện thoại cứu hộ, cứu nạn cần được người dân lưu lại để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, theo khuyến cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Sau khi bị lật trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) kéo theo 49 người xuống nước, tàu Vịnh Xanh QN-7105 bị hư hỏng nặng, không thể “đứng” thẳng mà phải cần 3 sà lan khác neo đỡ xung quanh để lai dắt vào bờ (Ảnh: Hải Nam)
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn) nhận định từ tối và đêm 21/7, trên đất liền Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm, cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h).

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (Ảnh: Bộ NN-MT).