Ông Hoàng Văn Cường cho rằng Hà Nội cần được giữ lại toàn bộ tiền thu từ sử dụng, cho thuê đất như quy định tại Luật Thủ đô, để có nguồn lực làm các dự án trọng điểm.
Đề nghị này được ông Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu tại phiên thảo luận tổ dự thảo Luật Ngân sách (sửa đổi), chiều 17/5.
Ở lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và địa phương.
Phương án 1, quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương của một số khoản thu.
Phương án 2, dự thảo luật chỉ quy định về nguyên tắc các nguồn thu phân chia. Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ phân chia, trình Quốc hội xem xét quyết định.
Với cả hai phương án, các địa phương (gồm Hà Nội, TP HCM…) có thể không được giữ lại 100% số thu từ tiền sử dụng, cho thuê đất (trừ khoản thu từ sử dụng đất gắn với tài sản do các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý) như hiện nay. Thay vào đó, địa phương chỉ được giữ 70-80% số thu này, còn lại 20-30% nộp về ngân sách trung ương.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng với quy định này tại dự thảo luật, Hà Nội có thể không được giữ lại khoản thu từ tiền sử dụng đất, cho thuê đất trên địa bàn. Trong khi đó, Luật Thủ đô lại cho phép thành phố được giữ 100% khoản này cho ngân sách địa phương. Tức là, đang có sự chưa thống nhất giữa luật chuyên ngành và Luật Thủ đô.
“Hà Nội cần được giữ lại toàn bộ khoản thu từ tiền sử dụng đất, cho thuê đất để có nguồn lực ưu tiên hỗ trợ di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc danh mục phải di dời và thực hiện các dự án trọng điểm”, ông Cường đề nghị.

Ông Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ông phân tích, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn vừa qua 8,5-9,5% một năm. Thành phố đặt mục tiêu tăng GRDP trên 10% năm nay và những năm tới.
Muốn đạt mục tiêu này, Thủ đô phải giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường, hạ tầng giao thông, như hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, và cần nguồn lực rất lớn cho đầu tư, phát triển. Ông Cường cho biết theo tính toán, tổng nhu cầu đầu tư của Hà Nội những năm tới khoảng 9,5 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách cần chi 3 triệu tỷ đồng.
“Nhu cầu đầu tư lớn như vậy, thành phố không thể trông chờ điều tiết ngân sách từ Trung ương, mà phải tự tạo ngân sách. Luật Thủ đô đưa ra cơ chế, cho phép thành phố giữ lại toàn bộ phần thu từ đất đai. Việc giữ lại khoản thu này không phải để cho riêng Hà Nội, mà để đầu tư vào các công trình hạ tầng, dự án trọng điểm”, ông nói thêm.
Chẳng hạn, khi phát triển khu đô thị khoa học công nghệ Hoà Lạc, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu chuyển về đây nhưng họ không có tiền giải phóng mặt bằng. Thành phố phải bỏ tiền giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chung.
Cũng góp ý về phân chia ngân sách trung ương và địa phương, ông Hà Minh Đức, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai (Lào Cai) đề nghị chọn phương án 2, bởi cách này cho phép điều chỉnh phân chia nguồn thu phù hợp biến động thực tế thu – chi ngân sách của địa phương.
Tuy nhiên, với các khoản thu tác động trực tiếp tới địa phương về môi trường như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường…, ông Đức cho rằng cần tăng tỷ lệ ngân sách địa phương được hưởng, và ngân sách trung ương phải tái đầu tư cho địa phương khai thác.
Ông cũng đề nghị bổ sung khung tỷ lệ tối đa, tối thiểu phần ngân sách địa phương được hưởng với từng khoản thu. Chẳng hạn, địa phương được hưởng tối đa 20% với số thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng cần công khai các tiêu chí, phương pháp và dữ liệu khi xây dựng tỷ lệ phân chia.
Phát biểu ở tổ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Luật Ngân sách (sửa đổi) đưa ra các quy định “phân cấp, phân quyền rất mạnh, đột phá”. Ông Thắng nói cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Quốc hội quyết định tổng chi ngân sách (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo ngành lĩnh vực. Ở lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định tổng chi ngân sách Nhà nước, cơ cấu chi đầu tư phát triển và thường xuyên. Còn lại, phân cấp để Chính phủ giao ngân sách chi cho từng ngành, lĩnh vực và bộ ngành. Với ngân sách địa phương, HĐND phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định.
“Đây là vấn đề phân cấp rất mạnh, nên còn nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi thống nhất xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định việc này”, ông Thắng thông tin.
Anh Minh