Ngày 24/6, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Theo báo cáo, toàn thành phố đã thành lập 627 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP). Các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra đột xuất, định kỳ 36 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó có 11 cơ sở đạt yêu cầu (tỷ lệ đạt hơn 30%) và 25 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ gần 70%).
Các lỗi vi phạm chủ yếu về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, bảo quản thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm như khu vực sản xuất, chế biến có côn trùng (ruồi); sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; không lưu mẫu thức ăn…

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đan Phượng kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (Ảnh: Thắng Văn).
Về công tác kiểm tra nhóm sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, 2 đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội đã kiểm tra tại 6 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, lấy 9 mẫu để kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định.
Tuy nhiên, theo báo cáo, các cơ sở này đa phần chưa thực sự hợp tác với các đoàn kiểm tra, 2/6 cơ sở tại thời điểm đoàn kiểm tra thông báo đóng cửa, dừng hoạt động (tuy nhiên vẫn có hoạt động sản xuất các ngày trước đó). Cá biệt có 1 cơ sở không thực hiện lưu mẫu của bất cứ sản phẩm hay nguyên liệu nào sau khi sản xuất, số lượng sản phẩm theo cơ sở báo cáo ít hơn thực tế sản xuất và lưu thông.
Theo báo cáo, qua kiểm tra có 1.372 cơ sở bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP với tổng tiền phạt gần 12 tỷ đồng; 54 cơ sở bị buộc tiêu hủy số lượng hàng hóa trị giá gần 5,3 tỷ đồng; 2 cơ sở bị đình chỉ do không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và điều kiện ATTP không bảo đảm.
Đặc biệt, có 2 vụ án, 8 bị can bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; cơ quan chức năng cũng đã chuyển 7 vụ việc sang cơ quan công an điều tra, xử lý.
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết một trong các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là triển khai bảo đảm ATTP trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Bà Hà yêu cầu trước mắt cần chú trọng rà soát nguồn cung ứng thực phẩm, cả trong và ngoài thành phố, cũng như quá trình vận chuyển, chế biến thực phẩm.
Cùng với đó, tuyệt đối không để hàng quán bán rong quanh cổng trường học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, trong đó vai trò, trách nhiệm hàng đầu là ở chính quyền cấp xã, theo bà Hà.
Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh tới đây, khi thành phố thí điểm tổ chức bữa ăn trưa trong trường học, công tác ATTP càng cần chú trọng nhằm bảo đảm chất lượng ATTP theo yêu cầu. Đặc biệt, cần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thức ăn đường phố.