Không khí bị ô nhiễm từ nguồn giao thông ở Hà Nội khoảng 35%?
Ngày 21.7, tại buổi tọa đàm “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau” do Báo Tiền Phong tổ chức, bà Nguyễn Hoàng Ánh, quyền Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Môi trường (Bộ NN-MT), cho biết trong thời gian dịch Covid-19, chất lượng không khí của Hà Nội và TP.HCM rất sạch.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, quyền Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường, phát biểu tại buổi tọa đàm
ẢNH: TRỌNG TÀI
Sau dịch, các hoạt động kinh tế hồi phục trở lại thì rất ít ngày không khí ở mức sạch. Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm có đến 47 ngày ô nhiễm rất xấu. Cao điểm, có ngày chỉ số IQI cao nhất lên đến 246.
Riêng ngày 19.7 vừa qua, trước thời điểm mưa giông, chất lượng không khí tại 3 điểm quan trắc của bộ đặt trạm quan trắc đều ở mức rất xấu.
Theo bà Ánh, báo cáo của Hà Nội về ô nhiễm không khí có nêu ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chiếm trên 60%.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ NN-MT, nguồn ô nhiễm từ giao thông là khoảng 35%, trong đó khí thải phương tiện giao thông chiếm khoảng 12% và bụi hoạt động giao thông là 23%.
“Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Một nguồn bụi rất lớn nữa chiếm khoảng 29% là bụi từ hoạt động xây dựng 17 – 18% và hoạt động đốt (rơm rạ, lốp xe) chiếm 15 – 16%. Đó là những số liệu đã được cân đong, đo đếm từ nhiều nguồn và đưa vào báo cáo tổng hợp của bộ để trình lên Thủ tướng”, bà Ánh nói.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Tốc độ di chuyển thấp làm gia tăng lượng phát thải
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Hoàng Anh Lê, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện.
Theo ông Lê, vào ban ngày, xe máy là nguồn phát thải chủ yếu; ban đêm, xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế. Lượng phát thải này cũng biến động theo mùa trong năm.
Đáng chú ý, xe máy là phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô.
Trong khi đó, phần lớn ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, giúp giảm bớt tác động đến chất lượng không khí.
Bên cạnh yếu tố phương tiện, theo ông Lê, tốc độ di chuyển thấp tại Hà Nội cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng phát thải. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, tốc độ trung bình của các phương tiện chỉ vào khoảng 35 km/giờ, khiến phương tiện tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn và phát thải mạnh hơn.