
Toàn cảnh phiên giải trình – Ảnh: HĐND TP
Khởi công nhiều cầu trong năm 2025
Thông tin với các đại biểu, ông Trương Việt Dũng cho biết thời gian tới Hà Nội sẽ đẩy nhanh các dự án giao thông, khởi công các cầu: Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2-9 và cầu Thượng Cát dịp 10-10. Đồng thời tăng cường giải ngân đường vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý 4-2025.
Cũng theo ông Dũng, Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch chống ngập úng 2025, lắp đặt 50 trạm bơm tự động tại khu vực nội đô, xử lý các vi phạm trật tự đô thị. Hà Nội cũng sẽ rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị.
Về vấn đề xử lý rác thải, theo ông Dũng, Hà Nội sẽ nâng công suất xử lý rác lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu; hoàn thành Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn giai đoạn 2.
TP cũng sẽ đẩy nhanh dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh, giảm 50% ô nhiễm sông nội đô (chỉ số COD xuống 25 miligram/l) trong năm 2025.
Vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết thêm TP đang triển khai phân loại rác tại nguồn cho 80% hộ dân đô thị (trong năm 2026), hỗ trợ 50 làng nghề lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời có các giải pháp phối hợp liên vùng qua kế hoạch kiểm soát ô nhiễm sông Cầu Bay – Bắc Hưng Hải, ký thỏa thuận với Bắc Ninh, Hưng Yên.
Thiếu cán bộ chuyên ngành tại một số địa phương

Phó chủ tịch UBND TP Trương Việt Dũng – Ảnh: HĐND TP
Về việc phân bổ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ cấp huyện về các xã, phường, ông Trương Việt Dũng khẳng định công tác này đã được triển khai theo đúng trình tự, định hướng của Trung ương.
Việc phân bổ viên chức ngành giáo dục đến nay đã hoàn thành và bảo đảm đúng định hướng của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức hai cấp. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc tại các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc các xã, phường mới đã được bố trí ổn định, không xáo trộn, theo ông Dũng.
Đối với việc bố trí công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc xã, ông Dũng cho biết được thực hiện theo nguyên tắc giữ nguyên trạng biên chế hiện có.
Phân bổ phù hợp với vị trí việc làm và trình độ đào tạo, trước mắt bảo đảm tổ chức bộ máy ổn định, không bị xáo trộn.
Về lâu dài, ông Dũng nói UBND TP sẽ rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trên cơ sở căn cứ định mức biên chế của Trung ương và quy định pháp luật hiện hành.
Cũng theo vị lãnh đạo UBND TP Hà Nội, hiện thủ đô đã thực hiện điều động công chức, viên chức từ cấp huyện về cấp xã theo nguyên tắc cân đối, hài hòa, có ưu tiên bổ sung nhân sự cho các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Tuy nhiên, ông Dũng nhìn nhận thực tế do nguồn nhân lực chuyên sâu về quản lý đầu tư xây dựng tại các ban quản lý dự án cấp huyện còn hạn chế, việc bố trí đủ cán bộ chuyên môn cho các ban quản lý dự án cấp xã hiện nay vẫn là khó khăn.
Thông tin thêm, ông Dũng cho biết hiện với cấp xã, phường sẽ có 3 phòng chuyên môn, gồm: Văn phòng; Phòng Văn hóa – Xã hội; Phòng Kinh tế (đối với xã), hoặc Phòng Kinh tế – Hạ tầng – Đô thị (đối với phường).
Mỗi phòng chuyên môn đảm nhiệm trung bình từ 5 chuyên ngành, trong khi biên chế được phân bổ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ chuyên ngành tại một số địa phương, theo phó chủ tịch Hà Nội.
Về giải pháp, ông Dũng cho biết trước mắt Hà Nội đã thực hiện tiếp nhận công chức theo quy trình đặc biệt, bổ sung công chức cho các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế.
Tính đến nay, hơn 100 trường hợp đã được tiếp nhận và phân bổ về các phòng chuyên môn cấp xã, phường từ ngày 1-7.
Đồng thời hiện Hà Nội đang tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực giữa các khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền để điều động phù hợp; nghiên cứu phương án tăng cường nhân sự từ các sở, ngành chuyên môn về hỗ trợ cơ sở, nhất là tại những địa bàn còn thiếu cán bộ.
Thí điểm bữa ăn bán trú miễn phí cho học sinh
Hà Nội sẽ hỗ trợ 50 dự án khởi nghiệp tại Hòa Lạc, thu hút 500 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài FDI công nghệ cao trong quý 4-2025; tổ chức các hội thảo kết nối doanh nghiệp công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ 200 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, nâng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) vào top 10 cả nước.
Về chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh, Phó chủ tịch Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết UBND TP đã ban hành hướng dẫn thực hiện bữa ăn với mức tối đa 30.000 đồng/học sinh/ngày, bảo đảm cơ cấu dinh dưỡng hợp lý (30% đạm, 50% tinh bột, 20% chất béo).
Trước mắt, chính sách này được triển khai thí điểm tại 23 trường tiểu học thuộc các xã miền núi và khu vực bãi giữa sông Hồng.