Hai cựu chiến binh mong khép lại ồn ào với các sinh viên dịp lễ diễu binh

Hai cựu chiến binh mong khép lại ồn ào với các sinh viên dịp lễ diễu binh

bởi

trong

Một tuần sau sự việc không mong muốn, hai cựu chiến binh Lê Văn Bàng và Nguyễn Văn Minh, những chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công 429, đơn vị đã góp phần quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã dành thời gian chia sẻ cùng phóng viên Dân trí vào ngày 6/5.

Thay vì nhắc lại sự phiền lòng, câu chuyện của hai người lính già đã mở ra những góc nhìn sâu sắc về lòng bao dung và niềm tin son sắt vào tương lai của đất nước, gửi gắm trọn vẹn vào thế hệ trẻ.

“Chúng tôi buồn, nhưng nhanh chóng cho qua”

Cựu chiến binh Lê Văn Bàng (SN 1954, sống tại Hòa Bình) nhẹ nhàng chia sẻ: “Gặp chuyện buồn thì cũng có chút tủi thân, nhưng chúng tôi nghĩ đó chỉ là một va chạm nhỏ trong cuộc sống. Điều quan trọng là mình nhanh chóng cho qua, giữ tâm hồn thanh thản để vui sống, khỏe mạnh và chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đất nước”.

Ông Bàng cũng ấm lòng kể lại rằng, ngay sau sự việc, vẫn có những sinh viên đã ân cần đón hai ông vào, quạt mát suốt cả tiếng đồng hồ, một hành động khiến người lính già cảm nhận được sự chân thành và sẻ chia.

Nhớ lại chuyến đi ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Lữ đoàn Đặc công 429 tổ chức, ông Bàng kể về sự đón tiếp nồng hậu, trân trọng của người dân và chính quyền các tỉnh miền Nam, nơi họ từng chiến đấu.

“Trở về nơi chiến trường xưa ở các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre…, chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm. Đó là niềm vui, là sự động viên lớn lao”, ông nói.

Hai cựu chiến binh mong khép lại ồn ào với các sinh viên dịp lễ diễu binh
Hai cựu chiến binh mong khép lại ồn ào với các sinh viên dịp lễ diễu binh - 2

Nhóm bạn trẻ vây quanh hai cựu chiến binh Lê Văn Bàng và Nguyễn Văn Minh nghe kể chuyện chiến đấu (Ảnh: Sinh viên cung cấp).

Dù tuổi cao, sức không còn khỏe, hai ông vẫn cố gắng tham gia chuyến đi lịch sử ấy, bởi trong thâm tâm họ, những ký ức về đồng đội, về những năm tháng hào hùng còn luôn sống động. Ông cũng nghĩ rằng 5-10 năm nữa chắc không đủ sức khỏe để đến thăm chốn xưa.

Sau sự việc, ông Bàng bận rộn bởi những cuộc điện thoại hỏi thăm của người thân, bạn học, đồng đội chiến đấu… Ông cho biết, đến nay đã hết buồn vì sự việc trên.

Cùng chung suy nghĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh (sống tại Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ mong muốn khép lại câu chuyện không vui. “Chúng tôi tin rằng đó chỉ là hành động bột phát, cá biệt của một số ít người. Điều quan trọng là tạo cơ hội để các cháu nhìn nhận lại và sửa sai”, ông Minh khẳng định.

Hai cựu chiến binh mong khép lại ồn ào với các sinh viên dịp lễ diễu binh - 3

Trong suốt chuyến đi, chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ nhiệt tình, yêu mến lịch sử, hỏi han về những trận chiến bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi luôn đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh

Thấu hiểu sự quan tâm của dư luận, cả hai cựu chiến binh đều bày tỏ mong muốn cộng đồng mạng khép lại sự việc đáng tiếc vừa qua bởi với họ hành động cá biệt không phản ánh được toàn bộ tình cảm và nhận thức của giới trẻ hiện nay.

Thay vì tiếp tục lan tỏa những thông tin tiêu cực, hai ông kỳ vọng cộng đồng mạng sẽ nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, tránh những lời lẽ nặng nề có thể gây tổn thương đến những người liên quan, trong đó có các bạn sinh viên và gia đình của họ.

Hơn hết, hai người lính già mong muốn câu chuyện sẽ lắng xuống để nhường chỗ cho những thông tin tích cực, những tấm gương người tốt việc tốt, và đặc biệt là những câu chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn và tràn đầy niềm tin vào tương lai. Họ kỳ vọng những ký ức thiêng liêng ấy sẽ bồi đắp lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào trong trái tim mỗi người trẻ.

Ký ức về những trận đánh không thể nào quên

Trong dòng chảy hồi ức của Trung úy Lê Văn Bàng năm xưa, những trận đánh ác liệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn in đậm. Ông thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 13, đơn vị đã nhận nhiệm vụ đánh địch từ Hậu Nghĩa, Long An đến Đài ra-đa Phú Lâm, một mắt xích quan trọng trong hệ thống thông tin liên lạc của đối phương.

Nhiệm vụ sống còn của đơn vị ông là cắt đứt liên lạc của địch, sau đó đánh chiếm cầu chữ Y, mở đường cho đại quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Đây là một nhiệm vụ cam go.

Ngày 28/4/1975, đơn vị của ông Bàng chia thành nhiều mũi tấn công vào Đài ra-đa Phú Lâm. Hai ngày giằng co quyết liệt với địch, đơn vị của ông đã dập tắt khả năng truyền tin của địch, mở đường cho cánh quân thuộc Đoàn 232 tiến vào Sài Gòn. Dù chiến thắng đã cận kề, nhưng những mất mát vẫn quá lớn.

“Trong ba ngày chiến đấu 28-30/4/1975, đồng đội của tôi ngã xuống rất nhiều. Máu của các chiến sĩ thấm đẫm trong trận chiến Đài ra-đa Phú Lâm. Đây là một trận quyết chiến và trận cuối cùng đối với anh em chúng tôi”, ông Bàng nghẹn ngào nhớ lại.

Khi địch tháo chạy, cũng là lúc tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng vọng đến. Ông Bàng cùng đại quân tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, nơi lá cờ chiến thắng đã tung bay kiêu hãnh.

Sau nửa thế kỷ, trở lại nơi đồng đội đã hy sinh, ông Lê Văn Bàng không khỏi xúc động: “Nhìn TPHCM phát triển, tôi vừa mừng vừa nhớ thương anh em. Các anh đã nằm lại nơi này cho ngày thống nhất. Các anh ra đi mà không trở về…”.

Hai cựu chiến binh mong khép lại ồn ào với các sinh viên dịp lễ diễu binh - 4

Chúng tôi mong muốn tận mắt chứng kiến thế hệ trẻ hôm nay diễu binh, để cảm nhận niềm tự hào của các cháu, thấy được các cháu tiếp nối và phát huy truyền thống của cha anh như thế nào. Chúng tôi kỳ vọng vào sức mạnh của các cháu, vào cách các cháu phát huy sức mạnh của cha ông để bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Cựu chiến binh Lê Văn Bàng

Khuôn mặt bị lõm sâu vì đạn

Cùng thuộc Lữ đoàn 429, thương binh Nguyễn Văn Minh, chiến sĩ Đại đội 27, Tiểu đoàn 78, mang trên khuôn mặt một vết thương sâu trong một trận chiến ở Long An.

Bị đạn bay thẳng vào mặt nhưng với tinh thần của người lính đặc công, sau khi phục hồi, ông kiên quyết từ chối về hậu phương, tình nguyện trở lại đơn vị chiến đấu.

Trong trận đánh then chốt, ông cùng đồng đội chốt giữ cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), đảm bảo tuyến đường huyết mạch cho đại quân tiến công. Ngay trước giờ chiến thắng, cuộc chiến vẫn rất ác liệt, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh.

Ông chia sẻ gần đây ông đã trở lại TPHCM để mang hài cốt đồng đội hy sinh vào các ngày 28-30/4/1974 trở về với gia đình, quê hương.

Bao năm qua, người chiến sĩ giải phóng quân Nguyễn Văn Minh vẫn miệt mài trên hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Nỗi xót xa ấy đã trở thành những vần thơ đầy cảm xúc, như bài “Cây sầu riêng ở Đắk Nông” được ông viết khi đi tìm đồng đội không thành:

Ông Minh nghẹn lòng đọc lại những dòng thơ:

Cây sầu riêng ở Đắk Nông

Cách xa ngàn dặm đem trồng về đây

Với bao kỷ niệm vơi đầy

Đầu rơi máu chảy những ngày chiến tranh

Thân vùi cho cỏ mọc xanh

Máu đào đổ xuống thêm cành sầu riêng

Bù Bông, Kiến Đức linh thiêng

Sao không nổi gió trả tên cho người

Xót xa lắm đồng đội ơi!

Có tên, có tuổi vẫn người vô danh

Trọn đời đắp gốc tạo cành

Cho thơm trái ngọt cớ thành sầu riêng.

Trong số 13 đồng đội đã hy sinh ở Đắk Nông mà ông không tìm thấy hài cốt, ông Minh nhớ nhất đồng chí Nguyễn Hữu Chung và Vũ Khắc Hải – chính trị viên trung đội. Ông kể về lời hứa kết nạp Đảng của người chính trị viên ngay trước trận chiến định mệnh.

“Trước trận đánh, anh Hải hứa đêm nay sẽ kết nạp Đảng cho tôi. Vậy mà, ngay đêm đó, anh hy sinh. Khi nằm xuống, anh chỉ kịp nói một câu: “Mẹ ơi, con không về được nữa”. Trận đó, tôi cũng bị thương nhưng may mắn sống sót. Khi hòa bình lập lại, tôi mất nhiều thời gian mới tìm được về nhà của anh”, ông Minh bồi hồi.

Khi hy sinh, có chiến sĩ chỉ kịp nói một câu: “Mẹ ơi, con không về được nữa”… Bây giờ chúng tôi được sống trong hòa bình lại càng da diết nhớ đồng đội.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh

Nhìn đất nước hòa bình, trong lòng người lính già Lê Văn Bàng và Nguyễn Văn Minh vẫn trào dâng nỗi nhớ thương đồng đội, những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường.

Trong sâu thẳm trái tim những người lính ấy, niềm tự hào về quá khứ oanh liệt luôn song hành với niềm tin vào thế hệ trẻ. Họ kỳ vọng vào sức mạnh, vào tinh thần của những người con đất Việt hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống của cha anh, xây dựng một Việt Nam ngày càng tươi đẹp và hùng cường.

Ước nguyện lớn nhất của hai cựu chiến binh Lê Văn Bàng và Nguyễn Văn Minh là những câu chuyện về sự chiến đấu anh dũng, về những hy sinh thầm lặng sẽ mãi được khắc ghi, bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho muôn đời sau.

Câu chuyện về sự bao dung và niềm tin ấy chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội hôm nay.