
Một thanh niên Trung Quốc được giải cứu hai lần trong một tuần khi leo núi Phú Sĩ (Nhật Bản) ngoài mùa leo núi chính thức, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 – Ảnh: AFP
Lần đầu tiên vào ngày 22-4, thanh niên này sau khi chinh phục đỉnh núi cao 3.776m thì bị say độ cao. Anh nhanh chóng gọi điện khẩn cấp và được giải cứu an toàn bằng máy bay.
Bốn ngày sau, anh quay lại ngọn núi để lấy điện thoại để quên từ đợt trước, và lại bị ốm ở độ cao hơn 3.000m. Một người leo núi khác tìm thấy anh ta nằm bất động và đã gọi cứu hộ lần thứ hai.
May mắn thay tình trạng sức khỏe của anh hiện không nguy hiểm đến tính mạng.
“Anh ấy bị nghi ngờ mắc chứng say độ cao và đã được đưa đến bệnh viện”, một phát ngôn viên cảnh sát ở khu vực Shizuoka cho biết.
Truyền thông địa phương cũng đưa tin không biết anh đã tìm thấy điện thoại hay chưa.
Cả hai lần leo núi của thanh niên này đều không nằm trong mùa leo núi chính thức, vốn kéo dài từ ngày 10-7 đến 10-9 hằng năm. Ngoài thời gian trên, tất cả các tuyến đường lên đỉnh núi đều bị đóng, các bảng hướng dẫn được tháo dỡ, và không có trạm y tế hay nhà nghỉ hoạt động.
Việc leo núi trong điều kiện như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi không chuẩn bị đầy đủ về thể lực và thiết bị.
Trước tình trạng gia tăng người leo núi và các tai nạn liên quan, chính quyền tỉnh Shizuoka và Yamanashi – hai tỉnh quản lý núi Phú Sĩ – đã áp dụng các quy định mới từ mùa leo núi 2025.
Mỗi người leo núi phải trả lệ phí 4.000 yen (khoảng 28 USD), gấp đôi mức phí của năm trước, đồng thời phải đặt chỗ trước qua mạng. Lượng người được phép leo núi mỗi ngày cũng bị giới hạn ở mức 4.000 người.
Ngoài ra để nâng cao an toàn, người leo núi sẽ phải tham gia một lớp học ngắn và làm bài kiểm tra kiến thức về an toàn và quy định địa phương. Ngọn núi cũng sẽ bị đóng cửa từ 14h đến 3h sáng mỗi ngày đối với những người không nghỉ qua đêm trong các túp lều dọc đường leo núi.