
“Bọ tình yêu” đậu đầy trên lưng một người đàn ông (Ảnh: Instagram).
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy núi Gyeyangsan ở Incheon, phía tây Seoul, với lối đi và khu vực quan sát phủ đầy những con côn trùng màu đen. Cư dân và du khách không khỏi bất ngờ trước cảnh tượng này.
Loài bọ này, có tên khoa học là Plecia longiforceps, được đặt biệt danh “bọ tình yêu” do tập tính giao phối đặc biệt khi bay thành từng cặp dính liền nhau. Con đực thường chết sau 3 đến 4 ngày, trong khi con cái sống khoảng một tuần để đẻ hàng trăm trứng trong đất ẩm rồi cũng chết theo chu kỳ tự nhiên.
Vốn có nguồn gốc từ vùng cận nhiệt đới ở đông nam Trung Quốc, đảo Đài Loan và quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, “bọ tình yêu” lần đầu tiên được ghi nhận tại Hàn Quốc vào năm 2022.
Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu cùng quá trình đô thị hóa đã tạo điều kiện lý tưởng để chúng mở rộng phạm vi lên phía bắc. Hiệu ứng đảo nhiệt tại các thành phố lớn như Seoul càng khiến môi trường nơi đây trở nên thuận lợi với loài côn trùng này.
Số lượng khiếu nại từ người dân gửi tới chính quyền thành phố đã tăng hơn gấp đôi, từ hơn 4.400 trường hợp vào năm 2023 lên hơn 9.200 trong năm 2024. Riêng tại Incheon, hơn 100 báo cáo được ghi nhận chỉ trong một ngày.
Tuy nhiên, cách giới chức xử lý loài côn trùng này đang gây tranh cãi. Chính quyền Seoul nhấn mạnh rằng dù có ngoại hình đáng sợ, chúng thực chất là loài có ích khi giúp thụ phấn hoa, còn ấu trùng giúp làm giàu đất nhờ quá trình phân hủy chất hữu cơ. Việc phun thuốc trừ sâu bừa bãi có thể gây hại cho các sinh vật khác và cả con người.
Thay vào đó, các chuyên gia khuyến nghị sử dụng vòi phun nước để loại bỏ chúng khỏi bề mặt, đặt bẫy ánh sáng hoặc bẫy dính quanh đèn đường, đồng thời mặc quần áo tối màu khi ra ngoài do “bọ tình yêu” bị thu hút bởi màu sắc sáng và ánh đèn.
Dù vậy, sự kiên nhẫn của người dân đang dần cạn kiệt. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Seoul cho thấy 86% cư dân coi “bọ tình yêu” là côn trùng gây hại, xếp thứ ba sau gián và rệp giường về mức độ khó chịu.
Hiện các nhà nghiên cứu đang phát triển loại thuốc trừ sâu từ nấm nhắm vào ấu trùng bọ nhằm giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các loài chim như chim ác là và chim sẻ cũng giúp kiểm soát số lượng bọ tự nhiên.
Theo dự báo, đợt bùng phát bọ trên sẽ giảm dần vào giữa tháng 7 khi vòng đời ngắn ngủi của chúng kết thúc sau khoảng hai tuần hoạt động mạnh.