
Một thân cây lớn bị cưa hạ còn nằm lại tại hiện trường vụ phá rừng ở huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum – Ảnh: T.H.
Được biết hiện trường xảy ra vụ phá rừng trên chỉ cách UBND huyện Ia H’Drai khoảng 3km, với nhiều cây gỗ lớn bị cưa hạ trên nhiều diện tích rải rác thuộc lâm phần do Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý.
Hiện trường hàng chục cây kơ nia trong rừng bị triệt hạ
Cùng ngày, ông Lê Tiến Trung, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ia H’Drai, đã ký báo cáo vụ việc gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum.
Theo báo cáo của đơn vị này, vụ phá rừng xảy ra tại lô 2, khoảnh 7, tiểu khu 747, thuộc lâm phần Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, với diện tích khoảng 0,93ha.

Nhiều cây gỗ lớn được phát hiện bị cưa hạ tại khu vực rừng do Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý – Ảnh: T.H.
Theo kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2024, đây là loại rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo (hiện trạng thực tế là rừng phục hồi sau nương rẫy). Khi đoàn kiểm tra phát hiện vụ việc thì chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Tại khu vực hiện trường bị chặt phá trái phép chủ yếu là tre nứa, cây bụi và có khoảng 26 cây gỗ rải rác có đường kính 20 – 40cm, chủng loại cầy (kơ nia) và cây gỗ tạp không xác định chủng loại. Ngoài ra có 1 cây kơ nia đường kính 70cm còn sót lại sau nương rẫy.
Cách hiện trường vi phạm có 1 căn nhà gỗ đã xây dựng từ lâu, thời điểm kiểm tra chưa xác minh được ai quản lý, sử dụng.

Căn nhà gỗ kiên cố nằm gần hiện trường vụ phá rừng tại huyện Ia H’Drai – Ảnh: T.H.
Hiện đơn vị này đang phối hợp cùng các ngành chức năng tiếp tục xác minh, xử lý.
Theo Hạt kiểm lâm Ia H’Drai, khu vực đất này trước đây giao cho Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý, nhưng do là vùng trũng, gần sông suối nên doanh nghiệp này không trồng cây.
Sau đó một số người dân đến lấn chiếm đất để làm nương rẫy. Đến khoảng năm 2019, cơ quan chức năng và công ty tiến hành đẩy đuổi những hộ lấn chiếm và để nguyên trạng từ đó tới nay.