Hàng chục nhà dân ngoài bãi sông Hồng Hà Nội bị nứt, nguy cơ bị sập do hút cát lòng sông?

Hàng chục nhà dân ngoài bãi sông Hồng Hà Nội bị nứt, nguy cơ bị sập do hút cát lòng sông?

bởi

trong
Hàng chục nhà dân ngoài bãi sông Hồng Hà Nội bị nứt, nguy cơ bị sập do hút cát lòng sông?

Bà Bất lo lắng trước vết nứt chạy dọc tường nhà – Ảnh: DANH KHANG

Ngày 27-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân cho biết hàng chục nhà dân ở xóm Bãi (xã Phong Vân) bị nứt từ tháng 4-2024, sau đó có nhà đã sập mái nhưng vẫn chưa có “người” chịu trách nhiệm trong khi mùa mưa bão đang đến gần.

“Từ ngày xảy ra nứt không ai đến hỏi thăm, chịu trách nhiệm”

Ngôi nhà cấp bốn được xây cất từ lâu là nơi tá túc của bà Nguyễn Thị Phương (67 tuổi, xã Phong Vân) và hai cháu nhỏ, nhưng kể từ thời điểm xuất hiện vết nứt ngang, dọc trên tường và dưới nền gạch đành phải khóa trái cửa.

Nhìn vào vết nứt ở giữa tường như muốn xé toạc ngôi nhà, bà Phương nói: “Vết nứt ngày một lan rộng nên con trai út không dám cho hai cháu ở nhà với tôi mà đưa xuống trung tâm Hà Nội ở trọ cùng bố mẹ, còn tôi thì qua nhà con trai lớn ở nhờ”.

nứt - Ảnh 2.

Bà Phương cho biết vết nứt có dấu hiệu ngày một lan rộng – Ảnh: D.KHANG

“Nhà dân bị nứt do hút cát, năm ngoái thuyền bè đậu không khác gì bến cảng thì dòng sông nào chịu được. Từ ngày xảy ra nứt không ai đến hỏi thăm, chịu trách nhiệm”, bà Phương cho hay.

Cách nhà bà Phương không xa là ngôi nhà của bà Ngô Thị Bất (87 tuổi, xã Phong Vân) cũng đang bị nứt nhiều vị trí. “Tôi sống có một mình ở đây thôi. Mỗi khi trời mưa to gió lớn mấy đứa cháu phải đưa đến nơi khác cho an toàn vì sợ sập nhà”, bà Bất bùi ngùi.

Không chỉ bị nứt toác ngang, dọc tường mà một phần mái ngôi nhà cấp bốn cũng đã bị đổ sập, ông Ngô Xuân Lịch (51 tuổi, xã Phong Vân) ngao ngán nói: “Trước khi nhà bị nứt, sập mái mẹ tôi vẫn ở đây nhưng vết nứt ngày một lan rộng nên bà phải sang nhà anh trai cả tá túc”.

“Nguyên nhân dẫn đến nứt nhà dân có thể do hút cát vì chúng tôi thấy lòng dẫn của dòng sông bị tụt rất nhanh. Dân mong nhà nước sớm gia cố lại bờ kè ở xóm Bãi để an tâm sinh sống. 

Bên cạnh đó cần xác định, sớm công bố nguyên nhân chính dẫn tới hàng chục ngôi nhà bị nứt và phải đền bù thỏa đáng cho dân”, ông Lịch cho biết.

Những ngày cuối tháng 4, ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy ngôi nhà của gia đình ông Lịch đã bị hư hại nặng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

nứt - Ảnh 3.

Ngôi nhà của gia đình ông Lịch bị xé tường, sập mái – Ảnh: D.KHANG

Sông Hồng tụt sâu bao nhiêu mét và nguyên nhân chính dẫn đến nứt nhà dân?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Văn Thưởng, phó chủ tịch UBND xã Phong Vân cho biết đến nay có 47 nhà dân bị nứt.

“Khu vực sông thuộc địa phận xã Phong Vân không có hút cát nhưng tàu thuyền hút cát thì bên khu vực tỉnh Phú Thọ. Thời điểm xảy ra nứt hàng chục nhà dân, tàu thuyền đậu bên xã Phong Vân chờ lấy cát.

UBND huyện Ba Vì, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cùng nhiều cơ quan đã xuống kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào phản hồi lại với UBND xã Phong Vân nguyên nhân dẫn đến nứt do con người hay thiên nhiên”, ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cho biết theo đo đạc thì từ chân kè xóm Bãi xuống lòng sông sâu 19 mét. Tuy nhiên không xác định được lòng sông đã tụt so với các năm trước là bao nhiêu.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất lên cơ quan cấp trên về việc sớm triển khai gia cố lại bờ kè. Còn cơ chế đền bù cho những hộ dân bị nứt thì xã sẽ kiến nghị nhưng có được chấp thuận hay không thì chúng tôi không khẳng định”.

nứt - Ảnh 4.

Vết nứt ở nền gạch của một hộ dân trong khu vực – Ảnh: D.KHANG

Còn ông Hứa Bá Trình, phó phòng Nông nghiệp và Môi trường UBND huyện Ba Vì cho biết: “Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội là đơn vị được UBND TP Hà Nội giao phối hợp với một đơn vị có đủ năng lực kiểm tra đánh giá, xác định nguyên nhân dẫn tới nứt nhà dân.

Qua nắm bắt thông tin cho thấy lòng sông bị xói sâu tạo thành các hố, phải xử lý bằng công trình như kè. Dự án kè là thẩm quyền của UBND TP Hà Nội, đến nay vẫn chưa được phê duyệt”.

“UBND huyện Ba Vì rất quyết liệt trong bảo vệ an toàn nhân dân, chúng tôi đã kiến nghị UBND TP Hà Nội trao đổi với UBND tỉnh Phú Thọ dừng khai thác cát. Thời điểm kiến nghị thì tỉnh Phú Thọ cho tạm dừng khai thác cát, đến nay chúng tôi không nắm được thông tin gì thêm.

Một trong những nguyên nhân làm lòng dẫn của dòng sông hạ xuống như biến đổi khí hậu, dòng chảy, khai thác cát…”, ông Trình nói và cho biết phải xác định được nguyên nhân chính thì mới “bắt đền” được “người” gây nứt hàng chục nhà dân.

“Chính quyền và nhân dân trong khu vực rất hoang mang, lo lắng”

Trước đó, ngày 15-5-2024, chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng ký văn bản số 1355 báo cáo bí thư Thành ủy và chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai.

“Hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất ngày đêm. Tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy… Chính quyền và nhân dân trong khu vực rất hoang mang, lo lắng”, nội dung văn bản số 1355.

Sau đó UBND TP Hà Nội đã có văn bản trao đổi với UBND tỉnh Phú Thọ. Đến ngày 21-6-2024, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn ký văn bản số 2467 tạm dừng hoạt động khai thác cát giáp ranh với khu sạt lở ở xã Thái Hòa và xã Phong Vân (huyện Ba Vì) đối với Công ty TNHH Tiến Nga (trụ sở tại huyện Tam Nông, Phú Thọ).

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, việc Công ty TNHH Tiến Nga tạm dừng khác thác cát để theo dõi, đánh giá chính xác, ảnh hưởng của việc khai thác đến lòng, bờ, bãi sông.

Hàng chục nhà dân ngoài bãi sông Hồng ở Hà Nội bị nứt hơn một năm chưa có ‘người’ chịu trách nhiệm - Ảnh 5.Lời cảnh báo từ những dòng sông

Từ phản ảnh của bạn đọc nạn ô nhiễm, mất đất vì sạt lở, PV Tuổi Trẻ đi thực tế nhiều tháng để ghi lại “Lời cảnh báo từ những dòng sông” qua phóng sự ảnh.